Buôn bán ở chợ "ve chai" tại TP HCM:

Không giành giật khách và nói xấu bạn hàng

Thứ Ba, 19/07/2011, 15:17
Sát nách chợ kim khí điện máy Nhật Tảo, TP HCM, có một cái chợ đã từng tồn tại hơn chục năm nay có tên gọi chợ "Ve chai" hay còn có tên gọi khác là chợ "Lạc xoong" họp trên một đoạn đường Lý Thường Kiệt, Vĩnh Viễn, quận 10 mà ngay cả người dân thành phố không phải ai cũng biết, đặc biệt là về văn hóa mua bán ở chợ ve chai này.

Tên gọi "ve chai" chỉ là tiếng lóng dân mua bán ở đây đặt tên, vì hàng hóa thập cẩm đủ loại từ điện thoại loại "hàng hiệu" tới những cái ốc vít, thiết bị điện tử, vi tính…cũ, mới và tất cả các loại hàng hóa đem mua bán ở đây đều có chung một điểm là không rõ xuất xứ.

Ngoài những người có mặt bằng để trưng hàng trước cửa nhà của họ, hầu hết là dân bán dạo, một số trải hàng ra tấm bạt nhỏ khoảng 1mtrên vỉa hè, số còn lại bán hàng lưu động hoặc kêu ly cà phê rồi thuê hẳn một chiếc bàn nhựa của quán vỉa hè làm sạp giao dịch. Chỉ cần vài món hàng như điện thoại cũ, cục xạc, hộp quẹt… bỏ túi là họ có thể hành nghề. Đội quân này khá đông, lúc cao điểm, chỉ một đoạn đường ngắn cỡ 300m có tới vài trăm người bán hàng kiểu này rảo qua, đảo lại.

Một người dân ở đây cho biết, hầu hết đội quân buôn bán dạo tại chợ ve chai này đều từ các nơi khác đến hành nghề. Nhiều người đã 60 - 70 tuổi, đến buôn bán không hẳn vì kiếm tiền mà chỉ vì cái thú vui sưu tập đồ "cũ người mới ta", cũng tới góp vui bằng cách bán vài món đồ đã cũ rích mà có khi ngồi cả buổi chả ai hỏi mua. Nhưng vì cái thú vui đó, họ đã gắn bó với nghề này hàng chục năm trời.

Những sạp đồ cũ của chợ "ve chai" đặt ngay lề đường.

Điều thú vị ở khu chợ này là kẻ mua, người bán thoải mái trả giá, sau khi thỏa thuận, xem hàng trả tiền xong, hàng hóa trao tay, người mua mang hàng đi, nhưng chỉ sau vài giây, hàng hóa bị hư, không hoạt động được muốn trả lại sẽ bị trừ 30% giá tiền. Khách sưu tập đồ cũ, thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh… tới xem hàng cứ xem thoải mái, không mua chỗ này thì qua chỗ khác, tuyệt đối người bán không có chuyện tranh giành, giật khách của nhau.

Mỗi lúc phát hiện hàng đến, họ xúm lại, người này trả giá không được thì tới người khác, có trật tự, nguyên tắc riêng nên ít xảy ra tình trạng đánh cãi nhau, lộn  xộn tại khu chợ trời này.

Anh Tâm, một người buôn bán tại đây quả quyết với tôi rằng: chỉ cần bạn chở chiếc ampli cũ không đóng nắp qua con đường này bằng xe máy, tôi đố bạn đi qua được hết đoạn đường họp chợ trong vòng một tiếng đồng hồ. Tại sao ư, vì những người bán hàng ở đây sẽ "bu" vào, hết người này trả giá tới người kia, có khi bạn chưa kịp hiểu điều gì thì họ đã bê chiếc ampli đặt vào sạp của mình…

Dân buôn ở đây có cái tài nhìn mặt người là đoán được tâm lý, sở thích của người mua, việc thương thảo giá cả cũng tùy vào cách nhìn mặt người đối diện này. Nhưng phần lớn hàng ở đây là hàng loại, chất lượng không kiểm soát được. Mỗi khi có nguồn hàng trôi nổi do các đầu nậu thu gom từ nhiều nguồn, trong đó không loại trừ cả hàng "chôm chỉa", chỉ cần 1 cú điện thoại là hàng được tuồn về cho chủ sạp liền.

Một người có thâm niên trong nghề mua đi, bán lại ở đây cho biết thêm: thu nhập trung bình của những người bán dạo ở đây chỉ tầm 120.000 đồng - 150.000 đồng ngày, có trường hợp kiếm cả tiền triệu một ngày nếu vớ được món hàng hời. Tiền lời của họ chủ yếu từ việc sàng qua sàng lại.

Ví dụ, người này mua được 1 chiếc điện thoại cũ giá 50.000 đồng, chưa đầy 1 phút sau, người khác trả 70.000 đồng, món hàng lập tức được chuyển qua tay người kia ngay, rồi có thể lại được bán cho người khác nữa với giá hơn 100.000 ngàn đồng. Một điều đặc biệt nữa ở khu chợ này là những người buôn bán không bao giờ nói xấu nhau, người mua cần dò hỏi về chất lượng hàng chỗ này chỗ kia trong chợ, họ sẽ chung một câu trả lời là không biết.

Trong vai người đi chợ, hỏi về chiếc ampli cũ bày bán tại sạp của ông Tư trong chợ, dù đang bận mua bán với khách, các chủ sạp khác cũng tranh thủ đọc vanh vách với chúng tôi về chức năng, đặc tính của nó. Nhưng tuyệt nhiên không có ai nói về giá để có thể mua được chiếc ampli này. Điều này trở thành nét văn hóa đặc trưng cho khu chợ. Mỗi ngày chợ họp hơn 3 tiếng, từ 11h30 trưa tới 3h chiều, sau khoảng thời gian trên, đội quân bán dạo tản mát đi hết, quang cảnh con đường trở lại bình thường. Vào giờ cao điểm từ 11h 30 tới 12h30 trưa là lúc chợ họp nhộn nhịp nhất.

Sự có mặt của khu chợ "ve chai" này không chỉ giúp hàng trăm con người mua bán kiếm cơm hàng ngày, mà còn có cái hay riêng là giúp những người nghèo có thể mua được những món hàng với giá cả rất rẻ so với siêu thị điện máy với những mặt hàng phong phú, đủ chủng loại trên trời, dưới đất. Việc hình thành được nét văn hóa như ở khu chợ này là rất hiếm, tạo nên bản sắc, đặc trung riêng cho chợ truyền thống ở TP.HCM. Nhưng hạn chế ở chỗ là gây cản trở giao thông giờ cao điểm.

Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch phường 7, quận 10 cho biết: lực lượng dân phòng, quản lý đô thị thường xuyên ra quân dẹp, tuyên truyền để những người buôn bán không tụ tập họp chợ giữa đường gây cản trở giao thông và trả lại môi trường văn minh đô thị. Nhưng khó khăn cho phía chính quyền địa phương là ở chỗ, lực lượng mỏng mà người bán dạo lại quá đông, họ đều từ nơi khác tới hành nghề nên rất khó kiểm soát.

Thấy có mặt lực lượng chức năng, người bán hàng hú nhau 1 tiếng là chỉ vài giây sẽ tản hết, sau đó chợ lại tụ họp trở lại. Có người không chạy kịp thì bỏ của chạy lấy người. Những món đồ thu được cũng chẳng có giá trị gì lớn, chính vì vậy người bán hàng sẵn sàng bỏ lại khi bị đẩy đuổi. Còn sắp xếp cho người buôn bán có chỗ ngồi ổn định, không lấn chiếm lòng lề đường thì địa phương không có mặt bằng và cũng không có chức năng nên chợ "ve chai" này vẫn tồn tại và hoạt động suốt những năm qua mà không thể dẹp

Đ.T.
.
.
.