Không để xảy ra ùn tắc trên tuyến Hà Nội - Hà Đông

Thứ Năm, 21/08/2008, 09:03
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng liên ngành cần tập trung xác định lại các điểm ùn tắc giao thông, nhất là những hôm mưa bão, và thường xuyên bố trí lực lượng CSGT để phân luồng trong những giờ cao điểm. Phải ưu tiên tổ chức giao thông trên tuyến đường Hà Nội - Hà Đông vì đây sẽ là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, phải đảm bảo không xảy ra ùn tắc. Đồng thời chú trọng giao thông ngoại thành nhằm giảm tai nạn giao thông.

Sáng 20/8, Sở GTVT và Công an TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị liên ngành giao thông vận tải về công tác đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo 197 và đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Tại Hội nghị, nhiều vấn đề bức xúc về giao thông đô thị thời gian qua đã được mổ xẻ và đưa ra các phương án giải quyết.

Nhiều đường vẫn tắc.

Sau 3 tháng triển khai Thông báo số 05/TB-BCĐ 197TP lực lượng liên ngành, dưới sự hỗ trợ của UBND thành phố, các lực lượng chức năng đã nỗ lực giải quyết được một số vấn đề nhức nhối liên quan đến TTATGT.

Cụ thể thu hồi đưa vào sử dụng công cộng đoạn đường quy hoạch trong bãi đỗ xe Ngọc Khánh, đề xuất thực hiện phương án tổ chức giao thông tại khu vực này để tránh ùn tắc.

Kiểm tra, rà soát đề xuất UBND thành phố phương án sắp xếp lại các tuyến xe khách ngoại tỉnh và các tuyến xe buýt kế cận.

Tổ chức ra quân thực hiện chỉnh trang đường thông, hè thoáng và tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong việc quản lý, vận chuyển đất thải, phế thải xây dựng; tiến hành phương án điều chỉnh, thay thế các loại xe buýt trên 45 chỗ bằng các loại xe buýt 24 chỗ hoạt động trên một số tuyến đường có chiều ngang dưới 7m.

Chỉnh sửa tuyến Pháp Vân, Tam Trinh, Ngọc Hồi bằng việc phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long vá ổ gà, thảm thô mặt đường. Ngoài ra, các đơn vị liên ngành cũng tổ chức đếm xe và nghiên cứu phân luồng theo hướng cho xe ôtô đi 1 chiều trên đường Khương Trung…

Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng, hiện vấn đề giao thông trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều bất cập, cần phải sớm khắc phục. Ngoài vấn đề quản lý chưa tốt, việc bảo trì các cầu yếu đang xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn chậm; bất cập trong việc quản lý các điểm trông giữ xe. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra tại 76 điểm nút giao thông, bất cập cần sửa đổi trong Quyết định số 240/2005/QĐ-UB về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Hà Nội…

Để giảm ùn tắc giao thông, nhất là thời điểm năm học mới sắp tới, theo ông Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, cần quản lý chặt việc lưu thông các phương tiện trong giờ cao điểm. Ông Hải cũng chỉ ra rằng, cần phải khống chế giờ hoạt động của xe du lịch như không cho xe chở khách du lịch có trên 30 chỗ ngồi đi vào giờ cao điểm (sáng từ 6h đến 9h và chiều từ 16h đến 19h hằng ngày).

Về tình trạng đường nội đô còn nhiều ổ trâu, ổ voi dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thành phố nên dành kinh phí để thảm đường theo tháng, theo quý. Còn để giảm tình trạng lộn xộn tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra GTCC kiến nghị áp dụng thí điểm mô hình khoán quản trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô. Theo đó, các điểm trông giữ xe trên phố sẽ không còn do cấp phường nắm giữ, mà giao cho doanh nghiệp.

Hà Nội, từ 15/9 sẽ thí điểm mô hình khoán quản trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô. Ảnh: T.H.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng liên ngành cần tập trung xác định lại các điểm ùn tắc giao thông, nhất là những hôm mưa bão, và thường xuyên bố trí lực lượng CSGT để phân luồng trong những giờ cao điểm. Phải ưu tiên tổ chức giao thông trên tuyến đường Hà Nội - Hà Đông vì đây sẽ là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, phải đảm bảo không xảy ra ùn tắc. Đồng thời chú trọng giao thông ngoại thành nhằm giảm tai nạn giao thông.

Về điểm đỗ xe, Giám đốc Công an TP Hà Nội tán thành ý kiến của Thanh tra GTCC. Đồng chí cũng nhấn mạnh, nếu thực hiện thí điểm tốt, sau này sẽ nhân rộng thực hiện tại nhiều quận, huyện trong thành phố, bộ mặt đô thị sẽ được khởi sắc…

Tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: Trước mắt, Sở GTVT và CATP cần tập trung tổ chức tốt nội dung Tháng an toàn giao thông sẽ diễn ra vào tháng 9, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm giảm 3 chỉ tiêu về TNGT và giảm điểm ùn tắc trên địa bàn.

Phải tổ chức tổng điều tra các tuyến đường xuống cấp, rồi thảm đường để khắc phục; đặc biệt trước ngày 2-9 phải khắc phục những bất cập như ổ trâu, ổ voi trên đường Kim Giang, tuyến đường 70, QL32 đoạn qua Nhổn. Trước ngày 30/8, Sở GTVT phải trình lên UBND TP Hà Nội kế hoạch  thực hiện Nghị quyết 16/2008 của Chính phủ "về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh"...

Về giao thông tĩnh, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu phương án sắp xếp lại hệ thống giao thông tĩnh. Với những dự án đang triển khai dở dang nếu đơn vị nào không đủ năng lực làm tiếp thì UBND TP sẽ đề nghị chuyển giao cho đơn vị khác có đủ năng lực hơn.

Từ 15/9, Thanh tra Sở GTVT sẽ tổ chức thí điểm khoán quản điểm đỗ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Cùng đó, Sở GTVT cũng cần điều tiết các bến xe khách, xe tải sao cho đảm bảo nguyên tắc hài hoà và nhằm giảm lượng xe ra vào thành phố để tránh ùn tắc và tránh tình trạng bến cóc, xe dù, tranh giành khách giữa đường.

Tại hội nghị, liên ngành Sở GTVT và CATP đề nghị UBND thành phố cho phép tổ chức giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (từ Ngã Tư Sở - TP Hà Đông) như sau: cấm xe ôtô tải từ 1,5 tấn đến 5 tấn đi vào giờ cao điểm (sáng từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h hằng ngày); cấm xe ôtô tải trên 5 tấn đi ban ngày (chỉ được hoạt động từ 21h đến 6h sáng hôm sau); không cho xe chở khách du lịch có trên 30 chỗ ngồi đi vào giờ cao điểm; khảo sát xây dựng 2 tuyến cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường tại các điểm thích hợp.

Đồng thời, đề nghị chỉ đạo điều chỉnh chỉ cho xe buýt dưới 30 chỗ hoạt động trên các tuyến đường phố có mặt cắt ngang dưới 7,5m; chỉ đạo cho mở rộng diện tích chợ Đền Lừ hoặc bố trí địa điểm khác ở khu vực huyện Thanh Trì làm chợ đầu mối, để các loại xe tải trên 2,5 tấn, xe siêu trường, siêu trọng chở hoa quả từ phía Nam ra trả hàng, tổ chức lại chợ đầu mối Hải Bối - Đông Anh để các loại xe chở hoa quả trên 2,5 tấn từ phía Bắc vào trả hàng nhằm đảm bảo cung cấp hoa quả cho Hà Nội và giải quyết triệt để tình trạng phức tạp về ANTT tại khu vực chợ Long Biên.

Thanh Huyền
.
.
.