Không để xảy ra sự cố trên những chuyến tàu Tết

Thứ Bảy, 23/01/2010, 11:54
Tết Canh Dần càng đến gần thì việc đảm bảo an toàn, thuận tiện cho nhân dân đi lại bằng đường sắt càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Cùng với việc phân phối vé ở cả hai miền Nam, Bắc để không ai phải lỡ hành trình về quê ăn Tết và phục vụ lưu thông lượng hàng hóa thì các biện pháp phối hợp đảm bảo ANTT, được ngành Đường sắt cùng lực lượng Công an gấp rút triển khai trên toàn tuyến.  

Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Hội nghị giao ban Quy chế phối hợp giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) với Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh, Bộ Công an diễn ra trong ngày 22/1 tại Hà Nội.

Nạn ném đất đá, xâm phạm thiết bị đường sắt diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của các đơn vị đường sắt, năm 2009 đã xảy ra 940 vụ, gây thiệt hại 978 cửa kính các loại, chủ yếu xảy ra ở các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN Phạm Công Trịnh cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, tình hình ném đất đá, chất bẩn lên tàu trong năm 2009 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm lại nghiêm trọng hơn.

Trước đây, các đối tượng ném đất đá chủ yếu ném lên toa xe, nhưng hiện nay chúng đã táo tợn nhằm vào đầu máy và những đoàn tàu liên vận quốc tế gây nguy hiểm đến tính mạng của hành khách và làm xấu hình ảnh về đường sắt Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này cho thấy ý thức của người dân, nhất là một số học sinh trong việc đảm bảo an toàn đường sắt còn rất mờ nhạt.

Ngành Đường sắt thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho khách đi tàu.

Tình trạng trộm cắp vật tư thiết bị toa xe mới chỉ thống kê được 6 vụ, chủ yếu là trộm cắp guốc hãm, lá mía, tháo trộm dây Cuplơ điện của toa xe, nhưng tình hình xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện, thiết bị đường sắt như tháo trộm bộ cóc, đệm sắt, thanh giằng giữ cự ly đường sắt, dây thông tin tín hiệu đường sắt… lên tới 57 vụ. Tất cả các vụ việc đều bị cơ quan Công an điều tra, bắt giữ.

Trộm cắp, nhắn tin đe dọa nhân viên đường sắt

Một trong số những tuyến đã được ngành Đường sắt liệt vào hạng điểm đen, diễn biến phức tạp về an ninh trật tự trong năm 2009 là tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, nổi lên với những vụ tấn công vào các tàu hàng.

Ông Ngô Việt Cường, Trưởng ban Bảo vệ - An ninh - Quốc phòng, Tổng Công ty ĐSVN nhớ lại cảnh tượng trên tàu hàng HSĐ4 vừa về đến ga Đà Nẵng, khi mở container để dỡ hàng, phát hiện mất 62 thùng bia Heineken, 440 thùng bị xé rách bao bì, thu ở nhiều vị trí trong xe có 155 vỏ lon bia, đối tượng còn để lại lời nhắn đe dọa… Những ngày giáp Tết, bọn trộm cắp còn mua vé hạng sang ở toa tàu nằm rồi chôm hành lý của hành khách. Ga tàu cũng là nơi các đối tượng phản động lợi dụng phát tán tài liệu kích động...   

Ông Ngô Việt Cường đánh giá, một năm với sự phối hợp chặt chẽ của các phòng nghiệp vụ Bộ Công an và lực lượng Công an các địa phương, số vụ tai nạn giảm 4%, số người chết giảm 10%, số người bị thương giảm 11,3%; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và tai nạn nghiêm trọng do chủ quan. Tuy nhiên tiềm ẩn mất ATGT đường sắt do khách quan rất lớn, nhất là khu vực tiếp giáp đường bộ, đường ngang. Số vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan chiếm 97,2% số vụ tai nạn đường sắt năm 2009.

Vụ tai nạn nghiêm trọng tại địa phận xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội làm 9 người chết, 10 người bị thương cũng là do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, đi qua đường sắt không quan sát, không chấp hành điều lệ đường ngang và Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Đường ngang dân sinh đang là một trong những nỗi ám ảnh của hàng nghìn lái tàu. Theo thống kê hiện còn khoảng trên 1.000 đường ngang nguy hiểm. Tuyến Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đã có tới gần 100 đường ngang loại này.

Thiếu tướng Hoàng Công Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an đặc biệt lưu ý từ nay đến Tết Nguyên đán và cả năm 2010 với nhiều sự kiện lớn được tổ chức tại Việt Nam, lượng hành khách và hàng hóa sẽ rất lớn, ngành Đường sắt cần đề phòng, cảnh giác với vận chuyển hàng hóa, vật liệu nổ. Đặc biệt, nhà ga, trên tàu là nơi dễ bị lợi dụng để phát tán tờ rơi, tuyên truyền phản động, hoạt động khủng bố nơi đông người, nên việc phối kết hợp giữa ngành Đường sắt và lực lượng Công an cần chú trọng. Cần sớm thu gom các đường ngang dân sinh, hình thành đường ngang có người gác, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thu Uyên - Thanh Huyền
.
.
.