Không để xảy ra những cái chết thương tâm vì bom mìn

Thứ Năm, 06/12/2012, 14:15
Do đặc điểm của đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, với nhiều loại bom mìn, vũ khí đến nay vẫn chưa thu hồi, tiêu hủy hết. Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là số vũ khí, vật liệu nổ còn vương vãi, tàng trữ trái phép ngoài xã hội. Nhiều người vì kế mưu sinh hằng ngày, tìm kiếm phế liệu khi gặp bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn chủ quan vì nghĩ không còn nguy hiểm nữa, nên liều lĩnh “ôm bom” dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Thời gian qua, thực hiện Nghị định 47 của Chính phủ và triển khai Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT), Công an các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tích cực phòng ngừa xử lý các vấn đề liên quan đến VK-VLN-CCHT; phối hợp cùng lực lượng quân sự, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời tiến hành kiểm tra, bảo quản, sử dụng vũ khí cũng như làm tốt công tác vận động người dân để thu hồi VK-VLN-CCHT còn sót lại, vương vãi và tàng trữ trái phép ngoài xã hội. Qua đó, góp phần phòng ngừa có hiệu quả những tác hại do VLN gây ra, đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương.

Tuy nhiên, do đặc điểm của đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, với nhiều loại bom mìn, vũ khí đến nay vẫn chưa thu hồi, tiêu hủy hết. Công tác quản lý VK-VLN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là số VK-VLN còn vương vãi, tàng trữ trái phép ngoài xã hội. Nhiều người vì kế mưu sinh hằng ngày, tìm kiếm phế liệu khi gặp bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn chủ quan vì nghĩ không còn nguy hiểm nữa, nên liều lĩnh “ôm bom” dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Cách đây 3 năm, trên địa bàn phường 9 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã xảy ra một vụ nổ đạn, khiến 2 cháu nhỏ thiệt mạng. Dù việc dù đã trôi qua khá lâu, nhưng những người dân sống gần bờ sông Tiền (qua địa bàn phường 9, TP Vĩnh Long) vẫn còn nhớ như in buổi chiều tang thương ấy. Chiều 25/2/2009, 2 cháu Lê Phi Nghĩa (13 tuổi) và Lê Văn Khoa (3 tuổi) theo cha là ông Lê Văn Mến (51 tuổi, ngụ xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang), sống bằng nghề thu mua phế liệu trên ghe. Khi chiếc ghe của ông Mến neo đậu tại bờ sông Tiền, thì 2 cháu Nghĩa và Khoa có xuống sông tắm.

Trong lúc chơi đùa dưới sông, 2 cháu phát hiện có một quả đạn nên nhặt mang lên bờ. Do thiếu hiểu biết, nên cả 2 đã dùng búa đập quả đạn để lấy phế liệu, thì một tiếng nổ lớn vang lên, khiến cả 2 thiệt mạng. Tương tự, ngày 20/3/2012, tại khu vực ấp 1, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra một vụ nổ mìn, khiến 2 thanh niên hành nghề rà phế liệu chết tại chỗ. Nạn nhân được xác định là Lê Văn Dự (26 tuổi) và Nguyễn Tuấn Em (21 tuổi, cùng ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Trong lúc rà phế liệu ở bãi đất trống ở khu vực ấp 1, thì cả hai phát hiện có một quả mìn nằm sâu dưới lòng đất. Khi đào quả mìn lên, Dự và Em đang hì hục dùng vật cứng cạy phần đất dính ở quả mìn, thì quả mìn phát nổ khiến cả hai chết tại chỗ.

Hiện trường vụ nổ tại xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm, Vĩnh Long) làm 4 người chết và 4 người bị thương.

Cũng tại Vĩnh Long, vào 16h ngày 21/10, quần chúng nhân dân phát hiện 5 đối tượng lạ mặt đang cưa 5 quả bom trên bờ sông ấp Kinh Ngay (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) nên trình báo cơ quan Công an. Khi lực lượng chức năng đến nơi, thì các đối tượng đã “bỏ của” chạy lấy người. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 5 quả bom, 1 ghe máy, 2 máy cắt, một máy phát điện, 1 cưa cắt cùng nhiều tang vật có liên quan. Rất may sự việc khi đó được phát hiện kịp thời, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.

Qua các vụ việc trên cho thấy, tác hại của việc thiếu hiểu biết khi phát hiện VLN cũng như không có ý thức pháp luật về quản lý, sử dụng VK-VLN là hết sức nguy hiểm. Thống kê của Công an tỉnh Kiên Giang cho thấy, từ năm 1996 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ vi phạm về quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT, làm chết 9 người, bị thương 19 người. Trong đó, có 11 vụ tai nạn do cưa phá bom, mìn, đầu đạn, làm 8 người chết, 19 người bị thương và 6 vụ tàng trữ vũ khí quân dụng để gây án làm chết 1 người. Cơ quan chức năng toàn tỉnh cũng đã kiểm tra, vận động các tổ chức, cá nhân giao nộp gần 6.000 súng quân dụng, 3 súng thể thao, 15 súng săn, 4 súng tự chế, 8.077 viên đạn, 462 công cụ hỗ trợ, 151 quả nổ, 16,1kg thuốc nổ TNT, 52 kíp nổ, thu gom xử lý 15 tấn bom, mìn rơi vãi sau chiến tranh.

Thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long và Công an TP Cần Thơ, đến nay qua kiểm tra, vận động, người dân đã tự nguyện giao nộp gần 6.000 khẩu súng quân dụng, gần 25.000 VLN và 921 CCHT… “Thực hiện Chỉ thị 04 của UBND TP Cần Thơ, Kế hoạch số 86 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT, từ tháng 8/2012 đến nay, Công an TP Cần Thơ đã tổ chức 2 điểm thu, gom VK-VLN do dân tự nguyện giao nộp. Công an các quận, huyện cũng thành lập các tổ thu gom VK-VLN  xuống tận các xã, ấp, khu vực… Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân về quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT. Qua vận động, nhiều cán bộ hưu trí đã giao nộp lại 7 súng ngắn các loại”, Thượng tá Sáu cho hay.

Liên quan đến vụ nổ đầu đạn khiến 8 người thương vong ở Vĩnh Long, ngày 4/12, tin từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long cho biết, căn cứ vào những mảnh đạn tại hiện trường, sức công phá của quả đạn cộng với mô tả của các nhân chứng tại hiện trường đã xác định được loại đạn gây nổ ở ấp Hiếu Trung A, xã Hiếu Nghĩa là đạn cối 61mm, do Mỹ sản xuất

Văn Vĩnh
.
.
.