Thi công tuyến đường sắt thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội:

Không để ảnh hưởng nhà dân

Thứ Tư, 13/10/2010, 10:25
Dự kiến 127 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3) đã khởi công bởi sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, trong sự háo hức mong chờ của đông đảo người dân.

Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xây dựng tuyến đường sắt thí điểm vừa đi trên cao, vừa đi ngầm dưới đất, nên việc giải phóng mặt bằng, thực thi dự án ra sao, được khá nhiều người quan tâm.  Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Ánh - Phó Giám đốc Ban Dự án đường sắt đô thị.

PV:  Thưa ông, để xây dựng hoàn thiện dự án này thì sẽ cần giải tỏa bao nhiêu hộ dân? Số hộ dân cụ thể sẽ giải tỏa trên từng địa bàn các quận, huyện mà tuyến đường sắt đô thị đi qua?

Ông Hoàng Kim Ánh: Thiết kế cơ sở Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) được Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT thẩm định và báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 27/4/2009. Trên cơ sở Quy hoạch chỉ giới đường đỏ của dự án đã được phê duyệt, dự kiến số hộ dân cần phải di chuyển là 127 hộ.

Trong đó, huyện Từ Liêm là 58 hộ; quận Cầu Giấy là 1 hộ; quận Ba Đình là 15 hộ; quận Đống Đa là 30 hộ; quận Hoàn Kiếm là 23 hộ. Tuy nhiên, số hộ dân thực tế sẽ được tính chính xác sau khi điều tra, kiểm đếm thực tế và phương án giải phóng mặt bằng được phê duyệt (hiện nay phương án này đang được Ban Quản lý trình xin ý kiến của UBND Hà Nội về mặt chủ trương).

PV: Công tác giải tỏa các hộ dân dự kiến tiến hành trong bao lâu? Từ thời điểm nào đến thời điểm nào? Khu vực, tuyến đường nào sẽ thực hiện trước tiên?

Ông Hoàng Kim Ánh: Trên thực tế, khu đề-pô (công đoạn đầu tiên của dự án đã được triển khai tại xã Minh Khai và Tây Tựu) với diện tích xấp xỉ 150.550m2 trên tổng mặt bằng 161.829m2 đã được nhiều cơ quan, ban, ngành phối hợp chuẩn bị mặt bằng từ  năm 2009. Phần tuyến đi trên cao và đoạn ngầm, ga ngầm thuộc huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm có thể sẽ được triển khai đồng bộ từ năm 2011.

PV: Trong 12,5km của dự án, sẽ có 4km đi ngầm. Vậy xin ông cho biết, phương án thi công thực hiện đoạn tuyến đi ngầm sẽ là như thế nào? Bằng công nghệ của nước nào?

Ông Hoàng Kim Ánh: Theo đề xuất của Tư vấn  Systra (Pháp), tại hồ sơ thiết kế cơ sở đã được Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 4 năm 2009 thì công nghệ được sử dụng để thi công đoạn tuyến đường sắt đi ngầm sẽ là máy khoan hầm (TMB).

Đối với vị trí các ga ngầm sẽ được thi công xây dựng theo phương pháp đào mở. Hiện tại có hai loại TMB là loại máy khoan cân bằng áp lực đất và máy khoan hầm dùng vữa bùn, các thiết bị TMB, đều thi công được trong điều kiện địa chất của Hà Nội. Công nghệ này chủ yếu được sử dụng, khi cần phải làm việc trong khu vực thành phố đông dân cư. Các nhà cung cấp TBM chủ yếu ở châu Âu.

PV: Nhiều người lo ngại việc thiết kế đường cho tàu đi ngầm đoạn từ khách sạn Daewoo đến ga Hà Nội, liệu có ảnh hưởng gì đến các công trình lớn phía trên mặt đất? Xin ông cho biết, phương án thiết kế, xây dựng các ga ngầm cụ thể là như thế nào?

Ông Hoàng Kim Ánh:  Để tránh rủi ro, ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất, chủ đầu tư và tư vấn thực hiện dự án đã triển khai thực hiện nhiều công đoạn như điều tra giao thông, các yêu cầu chuyển làn giao thông; khảo sát địa chất, địa chất thủy văn; khảo sát hiện trạng, địa hình; khảo sát, điều tra khảo cổ; khảo sát các tòa nhà  và các cơ sở hạ tầng hiện tại; khảo sát môi trường (như nước ngầm, cây xanh, chất lượng không khí, tiếng ồn…).

Trên cơ sở các kết quả phân tích, so sánh từ các tiêu chí khảo sát và so sánh với phương pháp thi công hầm thông thường, tư vấn thiết kế dự kiến lựa chọn phương án thi công hầm bằng thiết bị TBM là giải pháp thích hợp nhất, để đáp ứng với các đặc tính riêng biệt của điều kiện địa chất nền Hà Nội và các công trình, nhà cửa đã có trên mặt đất.

Với công nghệ này, tư vấn khẳng định sẽ không làm ảnh hưởng đến các kiến trúc, cũng như sinh hoạt thường ngày của nhân dân thành phố. Dự kiến, khoảng cách từ mặt đất đến tim đường tàu đi ngầm sẽ cách nhau chừng 20 - 25m, tùy từng địa hình trên các tuyến đường cụ thể.

Với các vị trí nhà ga ngầm sẽ được thi công bằng biện pháp đào mở. Tư vấn thiết kế dự án đã lựa chọn phương án thi công ga ngầm như sau: Phương pháp đào từ trên xuống dưới sử dụng các tường và sàn vĩnh cửu để duy trì việc ngăn nước ngầm và đất lở xung quanh.

Cùng đó, đơn vị thi công sẽ dàn basie tạm thời, sẽ được lắp đặt trên các tường chắn để có thể đảm bảo phục hồi lại giao thông ngay và sau đó công việc thi công sẽ được triển khai thực hiện ở bên dưới

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư 738 triệu Euro (tương đương 18 nghìn tỷ VNĐ) và thời gian thực hiện là 7 năm (2009 - 2015).

 

Chiều dài của tuyến đường sắt khoảng 12,5km, trong đó phần đi trên cao dài 8,5 km và phần ngầm dài 4km. Tàu sẽ chạy với vận tốc lớn nhất là 80km/h, cho phép vận chuyển đến 1.155 hành khách/đoàn tàu. Tại các nhà ga sẽ có các hệ thống thu soát vé tự động được chia làm hai khu vực riêng rẽ là chưa thanh toán tiền và đã thanh toán tiền.

Công nghệ soát vé là dựa trên phương tiện không tiếp xúc là xèng hoặc thẻ thông minh, trên đó có các thông tin về loại vé (đi một lượt hay nhiều lượt), giá vé được mã hóa. Tuyến đường sắt này thuộc tuyến số 3, theo Quy hoạch Tổng thể phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 90/2008/QĐ-Tg ngày 9/7/2008.

Đặng Minh
.
.
.