Lấy ý kiến đóng góp thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa:

Không đào tạo hàn lâm, “gà nòi”

Thứ Sáu, 07/11/2014, 09:28
Trước những đòi hỏi bức thiết đổi mới giáo dục phổ thông thì chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông (chương trình) và nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD&ĐT đưa ra trong Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đang được cả xã hội đồng tình. Nhưng làm thế nào để đảm bảo tính thống nhất, sợi chỉ đỏ xuyên suốt phục vụ phát triển năng lực người học là vấn đề đang được Bộ GD&ĐT hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục trong sáng 6/11 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, để hình thành học vấn, thì hoạt động tư duy là quan trọng nhất; để phát triển kỹ năng, thì không thể coi nhẹ sự luyện tập thường xuyên; bồi dưỡng đạo đức và các năng khiếu cá nhân thì quan trọng nhất phải kể đến các hoạt động trải nghiệm và giao tiếp xã hội. Chương trình SGK hiện hành chưa coi trọng sự khác biệt đó, các lĩnh vực giáo dục đều được thiết kế thành môn học và được thực hiện chủ yếu bằng dạy học trên lớp. Kết quả của hiện trạng trên, là học sinh Việt Nam nhìn chung không thua kém học sinh các nước về học vấn, ngay cả khi so sánh với các nước phát triển, nhưng rất kém tự tin, yếu về tư duy phản biện, kỹ năng sống và giao tiếp, về năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; một bộ phận học sinh vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống… Chương trình, SGK mới phải thiết lập được sự cân đối giữa “dạy học” và “giáo dục”. Việc xác định các lĩnh vực giáo dục và hệ thống môn học, hoạt động giáo dục vừa phải căn cứ vào yêu cầu mới, vừa kế thừa truyền thống và tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước phát triển. Phải lựa chọn và xây dựng cấu trúc nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học-giáo dục của mỗi môn học, mỗi hoạt động giáo dục sao cho phù hợp, thiết thực và có hiệu quả cao so với mục tiêu đề ra.

Ý kiến đáng lưu ý là cần định hình rõ chuẩn của chương trình các lớp, xác định rõ chuẩn tối thiểu cần đạt được là gì.

Bộ GD&ĐT đã đề xuất Quốc hội cho thực hiện theo phương án Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã phân tích và đưa ra khẳng định không nên chấp nhận chỉ có 1 bộ SGK chuẩn, hoặc được coi là chuẩn để dùng thống nhất dạy cho học sinh các lớp ở tất cả các trường trong cả nước. Để có một bộ SGK phù hợp, có chất lượng cần huy động đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước. Bộ GD&ĐT cũng không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn SGK. Trung ương Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam thì băn khoăn Bộ GD&ĐT lại quá nhấn mạnh đến SGK, trong lúc, cái đặc biệt cần làm rõ, cần định hình rõ là các chuẩn của chương trình các lớp, xác định rõ chuẩn tối thiểu cần đạt được là cái gì.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thì cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông là bản thiết kế mô hình nhân cách cần đào tạo 12 năm. Bản thiết kế này mang tính tổng thể, bao gồm những bản thiết kế mô hình nhân cách theo từng cấp học và năm học. Tính thống nhất của các chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là một yêu cầu tiên quyết. Các chương trình cấp học, lớp học mà được chỉ đạo theo hướng thả nổi “trăm hoa đua nở” thì đó là một điều cực kỳ tai hại, bởi nhân cách cần đào tạo bị cắt theo những lát cắt riêng rẽ, không ăn nhập vào nhau, do đó nhân cách của học sinh tốt nghiệp phổ thông là một sự chắp vá tùy tiện. Công việc chúng ta sắp làm là viết ra những bộ SGK, chứ không viết các cuốn SGK. Viết SGK theo từng bộ một là phải tôn trọng tính thống nhất của riêng từng bộ với một học thuật riêng, một hệ thống quan điểm riêng, một cách tiếp cận riêng.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng bộ SGK để đạt mục tiêu cuối cùng là xây dựng học sinh trở thành con người như thế nào, như Singapore xây dựng “nhà trường tư duy”, hướng đến một con người có tinh thần sáng tạo, có đầu óc kinh doanh và thói quen học tập suốt đời hay như Hàn Quốc, nền giáo dục hướng vào năng lực…, GS. TS Phạm Tất Dong cho rằng, ngay từ đầu cần có một chương trình khung về giáo dục được sự đồng thuận của một Hội đồng khoa học do Nhà nước thành lập, không được dùng chương trình hiện hành vì đang có nhiều vấn đề tranh cãi. Cần chọn những tổ chức có năng lực biên soạn SGK phổ thông để xây dựng đề cương viết bộ SGK chứ không chọn cá nhân viết từng cuốn SGK để đảm bảo tính thống nhất và nhất quán về học thuật, về quan điểm giáo dục, về cách tiếp cận…

Một chủ trương đúng, nhưng cần phải có cách làm đúng dựa trên cơ sở khoa học và quan trọng hơn, là cần bám sát mục tiêu chúng ta sẽ xây dựng các lứa học sinh thế hệ mới trở thành những con người như thế nào, để đủ năng lực phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, là mong mỏi của tất cả các bậc phụ huynh có con em đang trong độ tuổi đến trường

Thu Uyên - Thu Phương
.
.
.