Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:

Không có chuyện tháo dỡ cầu Long Biên để xây mới

Thứ Năm, 27/02/2014, 09:03
Ba phương án làm dự án cầu đường sắt qua sông Hồng do Bộ Giao thông vận tải đề xuất đều can hệ trực tiếp đến “sinh mệnh” cầu Long Biên đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt nên được dư luận đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm này dường như dư luận đang chờ đợi ý kiến chính thức của TP Hà Nội để sáng tỏ cho một phương án khả thi trong thực tế.

Đáp lại mong đợi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PV Báo CAND. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói: Tiêu chí xuyên suốt là phải giải quyết hài hòa giữa hai yêu cầu bảo tồn và phát triển, không chỉ riêng giá trị của cầu Long Biên, mà nói chung là các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn Thủ đô mỗi khi có công trình tác động tới. Vì thế, không có chuyện tháo dỡ cầu Long Biên để xây mới mà không tính tới các giá trị của công trình như một số thông tin vừa qua. Nhưng cũng không cứng nhắc yêu cầu bảo tồn mà không thỏa mãn yêu cầu phát triển giao thông hiện nay nói chung trong đó có giao thông đường sắt đô thị liên quan đến cầu Long Biên.

Xuất xứ của vấn đề, là trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 có phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 633/VPCP-KTN ngày 24/1/2014, TP Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng giao cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng tuyến và vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng. Các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận.

TP Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Để làm việc đó, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan sớm tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét toàn diện, khách quan, khoa học, nhằm đề xuất phương án tối ưu đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên – cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông, đảm bảo tốt nhất yêu cầu cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị của Thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở kết quả thảo luận, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng với TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nói trên.

Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Trước đó ngày 25/2, nhằm đóng góp ý kiến tìm một giải pháp hợp lý cho cầu Long Biên, hội thảo về cầu Long Biên trong phát triển đô thị đã được tổ chức tại Đại học Phương Đông, Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, các kiến trúc sư (KTS) và các nhà nghiên cứu về kiến trúc-phát triển đô thị ở Việt Nam. Theo PGS.TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Định cư (LH các Hội KHKTVN), nhiều năm trước, tổ chức JICA của Nhật đã khảo sát 6 - 7 năm để đưa ra phương án tối ưu là xây dựng cầu mới cách cầu Long Biên gần 200m. Chính phủ đã đồng ý và có thông báo cho UBND TP Hà Nội và Tổng cục Đường sắt, nhưng đến tháng 10/2013, Hà Nội lại có văn bản về việc xây dựng cầu mới. Như vậy, chỉ có 3 tháng chuẩn bị, nên thiết kế cầu mới hời hợt, thiếu tư duy, thiếu tầm nhìn và cả mỹ thuật. Bà Hồng Thục đặt ra câu hỏi tại sao các nghiên cứu dày công của nhiều chuyên gia Pháp, Nhật và Việt Nam về những tác động môi trường cũng như tác động đến khu phố cổ Hà Nội khi xây dựng cầu Long Biên lại không được tiếp thu? 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng các nhà quản lý thiếu tầm, hay chúng ta đã chưa quảng bá hết giá trị của cây cầu? Hiện nay mỗi nước, mỗi tổ chức ở mỗi nước lại “xui” lãnh đạo Hà Nội một phương án khác nhau, nên các nhà chuyên môn của Việt Nam cần phải có quan điểm riêng để tham mưu các phương án hợp lý. Bài học thay nước Hồ Tây cách đây hơn chục năm mà ông nghe theo sự “tư vấn” của một số chuyên gia nước ngoài, đã bị phản ứng dữ dội, là điều được đưa ra để rút kinh nghiệm. Vì thế, với cầu Long Biên, cần phải giải quyết 3 câu hỏi đồng thời là: bảo tồn để làm gì, bảo tồn theo cách nào và bằng nguồn nào?

KTS Hoàng Đạo Kính thì cho rằng, cầu Long Biên là một kỳ công về xây dựng, kỳ tích về kỹ thuật và kỳ quan của đô thị. Hà Nội là đô thị phát triển bề thấp, không có công trình nào ghi dấu ấn như cầu Long Biên, khắc tạc lên bầu trời một hình ảnh mềm mại của đô thị. Không có cây cầu nào tạo dựng được diện mạo về Hà Nội mạnh mẽ như cầu Long Biên cả về sáng tạo, thẩm mỹ. Người Pháp xây dựng, nhưng cầu Long Biên là đã được Việt hóa, Hà Nội hóa như thân phận người Việt, chắp vá, cũ kỹ, chịu đựng nhưng rất thân thương, trở thành một bộ phận hữu cơ trong tình cảm, tài sản của Hà Nội. Vì thế cầu Long Biên cần được coi là một di sản và phải có cách ứng xử riêng: Chuyển từ thiết chế giao thông sang thiết chế văn hóa với việc xây dựng đề án bảo tồn và trùng tu, phát huy giá trị, tạo dựng thành phố đi bộ.

Dưới góc độ bảo tồn và sử dụng trong thời hiện đại, GS.TS.KTS Tôn Đại có quan điểm: cầu Long Biên mang tính độc đáo duy nhất giống như tháp Eiffel của Pháp, vì thế cần phải được gìn giữ và bảo tồn để khai thác du lịch, đồng thời đảm bảo giao thông bằng việc tổ chức tuyến đường đi bộ. Cây cầu này đã, đang giá trị hơn mọi cây cầu được xây dựng ở Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Việt Châu cho rằng cái sai cơ bản trong việc đưa ra 3 phương án với cầu Long Biên, là Hà Nội đang ứng xử với cầu như một vật vô tri. Ai cũng nhìn thấy giá trị của cây cầu mà tại sao không công nhận cầu là di sản? Theo ông, việc cần kíp hiện nay là phải xây dựng hồ sơ để công nhận cây cầu là di sản, chỉ khi đó, các đơn vị khi xây dựng các phương án phải ứng xử với công trình kiến trúc mang đậm tính văn hóa, lịch sử này đúng theo Luật Di sản. Ông Châu cũng cho rằng, dù chọn phương án gì đối với cầu thì cũng phải thỏa mãn các yếu tố: bảo tồn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về giao thông; hòa nhập vào cuộc sống đương đại, vào cấu trúc đô thị mới, chứ không phải bảo tồn rồi giữ nó như một vật thể chết, không đóng góp gì cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Chuyên viên cao cấp về đường sắt Phan Xuân Đại cho rằng thực trạng xuống cấp của cầu nhiều năm là cản trở giao thông đường thủy. Nếu cải tạo nâng cấp cầu phải nâng trụ mố lên 3m cho phù hợp và đồng bộ với các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy… Nhưng cầu Long Biên hiện nay là di sản kiến trúc đô thị, không thể bảo tồn và sử dụng cho quy hoạch giao thông đô thị được, mà chỉ nên khai thác bảo tàng di sản này. Với kinh nghiệm nhiều năm khôi phục và xây dựng tại các công trình giao thông trong nước, các nhà tư vấn thiết kế công trình giao thông luôn có quan điểm tận dụng các hạng mục công trình đã có để sửa chữa nâng cấp, nhưng với thực trạng hiện có thì không thể dùng lại dầm thép cũ của cầu Long Biên, không dùng lại mố trụ cũ của cầu mà nên xây dựng một cầu mới cho đường sắt nội đô.

Theo PGS.KTS Trần Hùng, những thành phố lớn khi phát triển mật độ giao thông cao thì đường sắt cắt qua đô thị không còn phù hợp (trừ khi đi trên cao, hoặc ngầm dưới đất). Trên thế giới thường thiết kế đi vòng quanh đô thị, như Paris (Pháp). Vì thế, Hà Nội nên làm tuyến đường sắt mới bao quanh, gồm những ga cụt, tỏa ra các hướng, chứ không nên làm đường sắt xuyên thành phố. Và làm đường sắt mới trên cầu Long Biên rất phi lý.

Các nhà chuyên môn mong muốn, hội thảo là sự kêu gọi ý thức của UBND TP Hà Nội trong việc bảo vệ cầu Long Biên. Trước hết, phải công nhận cầu là một di sản văn hóa, một ký ức kiến tạo nên Hà Nội, để từ đó, mới có cách giải quyết thỏa đáng với công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô

Thanh Phong - Thanh Hằng
.
.
.