Không có chuyện cây trò vảy gây lũ ở Quảng Bình

Thứ Tư, 17/10/2007, 08:55
Trong cơn lũ lịch sử xảy ở huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình cách đây 2 tháng, ông Cao Hường và các con của mình ở xã Châu Hóa vớt được một cây gỗ trôi trong lũ. Do cây gỗ có khối lượng lớn với hình thù tương đối khác lạ nên từ đó đến nay một số người dân đồn thổi đó là cây trò vảy (cây thần).

Nhiều câu chuyện ma quỷ về cây gỗ được những người mê tín đồn thổi thêu dệt đã thu hút tương đối đông người ở các nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... đến xem.

Chuyện ma quỷ về cây trò vảy

Người đầu tiên mà tôi tìm gặp là cha con ông Cao Hương ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, chủ nhân của cây gỗ lớn. Ông Hương có tất cả 13 người con, trong đó có 9 con trai. Châu Hóa là đất thuần nông, đất ít người đông nên người dân vất vả quanh năm với đồng ruộng vẫn không đủ ăn, do vậy con cái ông Hương còn làm thêm nghề đi rừng.

Trận lụt vừa qua đã nhấn chìm Châu Hóa trong biển nước. Là những người quen sông nước nên mấy cha con ông Hương lên thuyền đi vớt củi, vớt gỗ giữa dòng lũ lớn. Và họ đã vớt được cây gỗ dài hơn 10m với đường kính vài người ôm đang trôi trong dòng lũ.

Mấy cha con ông cố gắng đưa cây gỗ về nhà, song nước chảy xiết nên đành buộc tạm cây gỗ vào hành lang đường 22C ở xã Cao Quảng. Lũ rút, cha con ông Hương cũng như bao người dân ở đây tấp nập công việc khắc phục sau lũ, nên ông và các con cũng ít chú ý tới cây gỗ vớt được hôm lũ.

Nhưng không hiểu từ đâu tiếng đồn về việc cha con ông vớt được cây trò vảy nên sẽ gây nhiều tai họa cho làng cho xã. Tiếng đồn lúc đầu chỉ trong làng rồi lan ra xã, ra huyện và cả tỉnh.

Theo lời đồn thổi cây trò vảy là loại cây thần, nó mọc trên rừng sâu không ai dám đụng vào, khi nó chết thì trời gây lũ lớn cuốn nó ra biển để nó hóa rồng, trong lúc trôi nó dạt vào đâu, hoặc ai không biết giữ lại sẽ gây lụt lớn và nhiều tai ương cho địa phương...

Và cũng theo lời đồn thổi, cây trò vảy sống hàng ngàn năm trên núi thường gọi là cây thần Hà Bá - Long Vương. Sở dĩ gọi cây trò vảy vì dọc theo thân cây có một lớp vảy dày nằm úp lên nhau giống như cây cọ. Do sống lâu lại có lớp vảy dày nên thân cây trò vảy là nơi trú ngụ của nhiều loại rắn, rết rừng.

Một số người mê tín đồn thổi, khi chặt vào thân cây thì thân cây chảy máu tươi và mùi tanh nồng sẽ toả ra khắp nơi... Một đồn mười, mười đồn trăm cây gỗ mà cha con Hương lấy được trong lũ là cây trò vảy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hương cho biết thêm: Mới đây mấy người con của ông rủ nhau ra cưa cây gỗ về dùng để tránh tiếng mọi người, nhưng thực sự gỗ rất cứng, cưa máy cũng khó cưa, con ông Hương là anh Cao Văn Sĩ đang cưa do gỗ cứng nên bị lưỡi cưa quẹt vào xương sườn gây thương tích.

Hai người con khác của ông do dầm trong nước lũ nhiều để vớt gỗ, củi và chạy lũ nên sau đó bị sốt nhiều ngày. Có đứa con út uống rượu rồi điều khiển xe máy bị tai nạn. Thấy nhà ông Hương gặp nhiều sự cố trong cuộc sống nên một số kẻ càng thêu dệt chuyện: vì nhà ông Hương nhặt gỗ thần nên bị phạt vạ.

Sự thật về cây gỗ ở Châu Hóa

Cây gỗ mà cha con ông Hương vớt được trong lũ ở Châu Hóa thực ra là một cây gỗ thuộc nhóm loại 4. Trong quá trình đi rừng do ai đó chặt xuống nhưng chưa kịp lấy, gặp lũ nên bị cuốn trôi về. Đó là nhận định của anh Nguyễn Minh, một người có thâm niên đi rừng nhiều năm ở Sơn Trạch, Quảng Bình.

Vừa nói anh Minh vừa chỉ cho chúng tôi xem thân cây gỗ không hề có vảy như lời đồn, chỉ có những lỗ to nhỏ khác nhau chạy dọc thân cây. Cuối thân cây còn hằn in dấu cưa chứng tỏ cây này đã bị khai thác chưa kịp lấy như lời anh Minh nói là đúng.

Anh Minh cho biết thêm: Nghe lời đồn nên anh xuống xem sao, biết đâu anh mua được cây gỗ tốt, nhưng giờ tận mắt chứng kiến anh thấy thất vọng. Cũng theo anh Minh đây là loại cây mà những người đi rừng thường gọi là cây trăm lỗ vì trên thân cây có nhiều lỗ to, nhỏ khác nhau. Gỗ rất cứng nhưng lại hay mục nên ít người dùng.

Anh Hoàng Cao Thanh, một người đi rừng nhiều năm hiện ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình cho biết: Cây trò vảy là có thật, nó mọc nhiều ở vùng rừng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh nhưng gọi nó là cây thần, linh thiêng như những lời đồn là chuyện nhảm nhí.

Trò vảy là loại cây to nhưng gỗ kém, lại lắm vảy không có giá trị sử dụng nên ít ai chặt làm gì, chỉ có một số bà con dân tộc thiểu số sống sát biên giới thường chặt bắc qua khe, qua suối làm cầu đi lại, vì cây trò vảy có nhiều vảy đi dễ bám.

Hiện tại ở thôn Trường Xuân, xã Cao Mại, Tuyên Hoá, vẫn có rất nhiều cây trò vảy. Anh Thập 45 tuổi ở xã Cao Quảng hơn 20 năm đi rừng khẳng định: "Đây không phải là cây trò vảy mà là cây trăm lỗ".

Anh cho biết chính bản thân anh đã 4 lần chặt cây trò vảy do người khác thuê chặt. Cây trò vảy có vảy dày 60 - 70cm, khi tươi chặt ra mủ có màu nâu đỏ, ai chạm phải thì ngứa một lúc rồi hết. Không hề có máu và mùi tanh như lời đồn thổi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trò vảy thuộc họ cây trò, và cây trò có đến 7 loại, trong đó ngoài trò vảy còn có trò chỉ, trò nâu, trò cát...

Theo ông Hoàng Minh Đệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa: "Cây trò vảy như lời đồn là mê tín, nhảm nhí. Còn thực tế thì cây trò vảy cũng là loại gỗ vẫn có thể khai thác, sử dụng bình thường"

Dương Sông Lam
.
.
.