Không có bằng cấp vẫn lái tàu

Thứ Hai, 14/01/2008, 10:38
Tồn tại trong thời gian khá dài vừa qua trên tuyến thủy nội địa của tỉnh Quảng Ninh là tình trạng người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Kéo theo đó là hiệu ứng nhắc nhở, xử phạt rồi lại vi phạm và xử phạt.

Từ kết quả kiểm tra, xử lý của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh tại khu vực cảng Vân Đồn, huyện Vân Đồn và sông Ka Long, thị xã Móng Cái mới đây đã, đang đặt ra yêu cầu bức thiết sự vào cuộc tích cực, với những cách làm cụ thể hơn nữa của các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết vấn nạn này.

Từ một bến cá, năm 1993, cảng Cái Rồng được thành lập. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo, hoạt động của cảng dần đi vào nền nếp, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vận tải hàng hoá, đi lại của nhân dân.

Cảng đã hình thành các khu vực neo đậu dành riêng cho tàu vận tải khách từ Vân Đồn đi các xã đảo trong huyện và đi huyện đảo Cô Tô; khu vực dành cho tàu cá và tàu vận chuyển các loại hàng hoá khác.

Hệ thống nhà nổi, nhà bè cũng được quy hoạch đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến luồng tuyến của các phương tiện ra vào cảng. Cảng Cái Rồng hôm nay đã mang một diện mạo mới khác xưa rất nhiều. Các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia quản lý bến bãi, phương tiện cũng đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự bến cảng.

Và theo ông Nguyễn Tiến Bình, Trưởng ban Quản lý cảng Cái Rồng khẳng định thì công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc kiểm tra, đôn đốc các phương tiện thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, thời gian vừa qua đã đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông trong khu vực cảng.    

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày đầu tháng 1/2008 vừa qua thì với lượng lớn phương tiện gồm tàu khách, tàu cá cùng với hành khách, người hoạt động nghề biển, hiện cảng Cái Rồng tỏ ra quá chật chội. Thêm vào đó là nhiều loại phương tiện bè mảng chở khách ra tàu, bán hàng hoạt động khá tuỳ tiện.

Đại diện một số người đang tham gia kinh doanh tại cảng đều tỏ ra khá bức xúc trước thực trạng này khi tiếp xúc với chúng tôi. Đáng lo ngại hơn cả là công tác đảm bảo an toàn của các phương tiện tham gia hoạt động tại cảng, nhất là đối với các phương tiện vận tải khách.

Trong một buổi sáng cùng đoàn công tác thuộc Phòng CSGT đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ninh) và Công an huyện Vân Đồn phối hợp tổ chức kiểm tra đối với các phương tiện vận tải khách tại cảng cho thấy hầu hết các phương tiện kiểm tra đều có những biểu hiện vi phạm, từ lỗi không có biển nội quy an toàn, không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đến không có chứng chỉ chuyên môn. Có người vi phạm giải thích: "Không có bằng cấp gì nhưng do con ốm nên lái tàu thay". 

Tại khu vực sông Ka Long, thị xã Móng Cái, theo thống kê hiện có gần 1.000 đò chở hàng đăng ký hoạt động và nhiều phương tiện cùng loại hoạt động trái phép. Lượng đò tại sông vùng biên này tăng đột biến như thời gian vừa qua xuất phát từ nhu cầu vận tải hàng từ Móng Cái đi Trung Quốc và ngược lại ngày càng lớn.

Bất cập là ở chỗ phương tiện tăng kéo theo số người điều khiển được các chủ tàu thuê theo thời vụ, không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cũng tăng. Vào đầu năm 2007, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát thủy Công an thị xã Móng Cái kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với loại phương tiện này, kết quả cho thấy, tỷ lệ người điều khiển phương tiện có bằng cấp, chứng chỉ là rất thấp.

Mới đây, lực lượng Công an tiếp tục kiểm tra và số người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi như trên thậm chí còn cao hơn.  Những tồn tại hiện nay tại cảng tàu Cái Rồng và khu vực sông Ka Long đang đòi hỏi các cơ quan chức năng của địa phương và tỉnh cần phối hợp, tìm những giải pháp kịp thời chấn chỉnh, giải quyết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại thị xã Móng Cái, đa phần các chủ đò và người điều khiển loại phương tiện này đều bày tỏ nguyện vọng ngành Giao thông vận tải sẽ sớm tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tại địa phương

Nguyễn Minh Châu
.
.
.