Không cấm MBH thời trang nhưng phải đạt chuẩn

Thứ Tư, 17/09/2008, 16:50
Theo Quy chuẩn CR, mũ bảo hiểm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối chỉ được phép lưu thông sau khi đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ như sau: Phải có cấu tạo cơ bản theo 3 kiểu dáng: Mũ che nửa đầu (bảo vệ phần đầu phía trên của người đội), mũ che cả đầu và tai (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm và tai), che cả đầu, tai và hàm (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm, tai, cằm).
Song song với chiến dịch tổng điều tra, rà soát chất lượng, đo lường xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng chỉ đạo Thanh tra Sở KH&CN các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng ra quân kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm. Thêm nữa, cột mốc 15/11, thời điểm thực thi lệnh cấm sử dụng, lưu hành mũ bảo hiểm cách điệu không đạt chuẩn đang ngày một cận kề, càng khiến cho thị trường mũ bảo hiểm thời trang trở nên lộn xộn.

Nhiều mũ bảo hiểm có dấu CS vẫn không đạt chuẩn

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, tại các địa phương, Đoàn kiểm tra "đụng" vào đâu là phát hiện ngay ra mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đến đấy. Hiện trên thị trường còn trôi nổi một lượng lớn mũ bảo hiểm nhập lậu từ Trung Quốc, chất lượng rất kém, tuy nhiên vì thời gian có hạn, lực lượng lại mỏng nên đoàn kiểm tra không thể tiến hành kiểm tra đối với nhiều cửa hàng nhỏ lẻ ẩn khuất trong các làng xã.

Trong nhiều lần kiểm tra, thành viên của đoàn kiểm tra thử nghiệm bằng các thao tác giản đơn, cầm mũ đập mạnh vào tường, những mảnh nhựa cứng cũng lập tức tung tóe. Loại mũ "không bảo hiểm" này "ưu điểm" giá thành rẻ, chỉ vài ba chục nghìn, nên cơ động luồn lách về nhiều vùng quê, để người dân mua và sử dụng đơn thuần nhằm mục đích đối phó với Cảnh sát giao thông.

Thế nhưng, cũng theo ông Dũng, từ kết quả kiểm tra bước đầu, ngay các đô thị lớn, mũ bảo hiểm của các công ty có nhãn hàng hóa, có tem chất lượng đủ đầy vẫn… không đạt chuẩn. Tại Đà Nẵng, 5 mẫu mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu của nhiều cơ sở sản xuất (có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh) được Đoàn thanh tra liên ngành (gồm Sở KH&CN và Chi cục quản lý chất lượng hàng hóa miền Trung) kiểm nghiệm đều không đạt chuẩn.

Địa phương có mẫu mũ được kiểm định không đạt chuẩn nhiều nhất lại chính là TP Hồ Chí Minh. 24 mẫu mũ được kiểm tra ngẫu nhiên, chỉ có 2 mẫu đạt chất lượng, 22 mẫu không đáp ứng về độ bền hấp thu xung động, độ bền đâm xuyên và quai đeo.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, lúc nào cũng có thể tìm ra loại mũ bảo hiểm có tem CS (công bố hợp chuẩn) nhưng về cảm quan, cầm lên thấy mềm, lớp xốp mỏng, quá nhẹ hoặc quá nặng.

Mũ bảo hiểm thời trang phần lớn không đạt chuẩn.

Lý giải hiện tượng này, mặc dù không đạt "chuẩn", vẫn có "tem" bảo đảm, ông Trần Minh Dũng cho rằng: Đấy có thể là tem giả. Hơn nữa, CS là tem do nhà sản xuất trong nước thực hiện và là hình thức tự công bố chất lượng sản phẩm của mình phù hợp với tiêu chuẩn sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại các cơ quan chức năng.

Bới thế, ông Dũng khuyến cáo người dân, hãy trở thành "người tiêu dùng thông thái" khi mua mũ bảo hiểm. Khách hàng nên cân nhắc, chú ý xem vỏ mũ sử dụng nhựa chính phẩm, lớp vỏ đệm dày và cứng, có đầy đủ thông tin về dấu "CS" hoặc dấu "CR", có tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng mũ, tem của đơn vị sản xuất...

Chỉ cấm mũ bảo hiểm không có nhãn CR

Ông Trần Minh Dũng khẳng định, cho đến thời điểm này, Bộ KH&CN chưa hề có lệnh nào "cấm sử dụng mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu" mà chỉ ban hành bộ Quy chuẩn mũ bảo hiểm quốc gia (Quy chuẩn 02/2008/KHCN - thường gọi quy chuẩn CR).

Theo đó, mũ bảo hiểm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối chỉ được phép lưu thông sau khi đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ như sau: Phải có cấu tạo cơ bản theo 3 kiểu dáng: Mũ che nửa đầu (bảo vệ phần đầu phía trên của người đội), mũ che cả đầu và tai (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm và tai), che cả đầu, tai và hàm (bảo vệ phần trên của đầu, vùng chẩm, tai, cằm).

Như thế, chiếu dưới góc độ Quy chuẩn mới (bắt đầu có hiệu lực từ 15/11), phần lớn các loại mũ bảo hiểm thời trang có dạng lưỡi trai nhỏ gọn, xinh xắn đang được bày bán tại hầu khắp các cửa hàng đều khó lòng đạt chuẩn. Dọc phố Huế (Hà Nội), mũ loại này được mời chào với giá 90.000 đến 100.000 đồng/chiếc kèm theo lời "cam kết" của người bán: Yên tâm đi, mũ này đạt tiêu chuẩn, không bị cấm đâu. Nhưng khi được hỏi, "tiêu chuẩn" là như thế nào, thì chẳng người bán nào trả lời được. Theo khảo sát của PV, những chiếc mũ này vẫn có tem CS.

Nhiều cửa hàng bán mũ bảo hiểm thời trang lưa thưa khách trước giờ “G”. Ảnh: T.H.

Trước thực trạng trên, Bộ KH&CN đã khuyến khích các nhà sản xuất, nhập khẩu tuẩn thủ theo quy chuẩn CR, đăng ký chất lượng và dán tem CR. Thế nhưng, dường như, nhiều nhà kinh doanh mũ bảo hiểm thời trang chưa chú ý đến quy chuẩn bắt buộc (CR) sắp đi vào cuộc sống.

Tại cửa hàng mang thương hiệu Nón Sơn trên phố Hàng Bông (Hà Nội), các nhân viên tự tin tiếp thị với khách vô số loại mũ có lớp vải bọc ngoài kiểu dáng đẹp, tươi tắn và rất thời trang.

Nhân viên ở đây "bật mí", Nón Sơn đặt hàng phần mũ bảo hiểm bên trong của các nhà sản xuất uy tín, và chỉ thiết kế thêm lớp vỏ ngoài để tạo dáng gợi cảm, quyến rũ, mềm mại hơn. Một chiếc mũ bảo hiểm cách điệu tại Nón Sơn được bán với giá xê dịch từ 250.000 cho đến cả triệu đồng. Nhân viên của Nón Sơn tự tin, sản phẩm cửa hàng mình "chắc chắn không bị cấm vì đủ tiêu chuẩn". Nhưng, ông Trần Minh Dũng nêu ý kiến, chưa có nhãn CR, chưa qua kiểm định, không loại mũ bảo hiểm nào được coi là hợp chuẩn.

Hiện cả nước có khoảng 40 triệu mũ bảo hiểm đang được lưu hành, trong đó có hàng triệu chiếc trôi nổi, chất lượng kém. Sau ngày 15/11, các lực lượng chức năng sẽ kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ hơn chất lượng mũ bảo hiểm, và như thế, sẽ không còn kiểu đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng

H.Sen- T.Huyền
.
.
.