“Khoáng tặc” lộng hành rừng Pô Kô

Thứ Bảy, 19/07/2008, 16:01
Hàng trăm "khoáng tặc" đang lén lút trong các cánh rừng dưới chân đồi Sạc Ly để chờ cơ hội quay trở lại khai thác vàng trái phép. Rừng và nước Kroong Pô Kô loang lổ, đục ngầu…

Bãi vàng dưới chân đồi Sạc Ly thuộc địa phận xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum mấy ngày nay trời mưa tầm tã. Con đường độc đạo từ thị trấn Đắk Tô vào bãi vàng này dài gần 30km có rất nhiều đoạn quanh co, dốc cao và lầy lội.

Xe máy chúng tôi bươn chải lắm cũng chỉ đi đến trại chăn nuôi bò của Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh thì phải gửi xe rồi tiếp tục đi bộ.

Qua 3 sườn đồi thoai thoải dài khoảng 5km, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều lán trại được che bằng những tấm nilon màu xanh nằm dọc theo các khe núi. Buổi chiều, rừng Pô Kô im ắng. Bỗng mấy con chim Chơ-rao lượn vòng trên đầu chúng tôi hoảng loạn bay về phía núi xa xa.

Cùng lúc ấy, có tiếng động cơ máy nổ đanh giòn phía trước mặt, nên đã làm cho đàn chim sợ hãi. Chúng tôi tiến lại gần định đưa máy chụp hình, thì xuất hiện một tốp 6 người từ phía sau lưng đi đến.

Vờ đi tìm người thân vào bãi vàng làm "cửu vạn", chúng tôi hỏi đường đến bãi vàng chính. Một "khoáng tặc" trạc tuổi 45 chỉ đường cho chúng tôi men theo sườn đồi phía bên phải. Sau một phút cám ơn qua quýt, chúng tôi lần theo con đường rừng đã được phát quang để đến chốt của lực lượng truy quét "khoáng tặc" của huyện Đắk Tô vừa mới dựng được mấy hôm nay.

Cửu vạn chở đá từ bãi vàng ra xã Diên Bình.

Dọc đường đi, chúng tôi được một người dân cho biết, bãi vàng này do ông Long Lục gốc người tỉnh Thái Nguyên, hiện cư trú tại tỉnh Gia Lai phát hiện vào khoảng đầu tháng 2 năm nay. Sau khi phát hiện ở đây có trữ lượng vàng kha khá, ông này đã đưa đội quân "khoáng tặc" từ bãi vàng Trại Cau, Trại Đất của tỉnh Thái Nguyên vào đào đãi. Có thời điểm tại bãi vàng này lên tới 500 - 600 người ngang nhiên khai thác vàng trái phép.

Chính quyền huyện Đắk Tô đã thành lập đoàn truy quét gồm: Công an, Huyện đội và lực lượng dân quân xã Pô Kô vận động, thuyết phục, kể cả thu hồi dụng cụ đào hầm và máy xay đá đã 3 lần rồi, nhưng "khoáng tặc" vẫn không chịu "rút quân".

Hiện số lượng "khoáng tặc" còn lại trong khu vực rừng Pô Kô khoảng hơn 200 người. Họ vẫn đóng lán trại xung quanh khu vực này đợi thời cơ đột nhập để khai thác vàng trái phép.     

Chứng kiến cảnh đào bới, chặt phá rừng tan hoang tại bãi vàng này một lúc, chúng tôi được lực lượng truy quét của huyện Đắk Tô yêu cầu phải ra khỏi địa bàn. Thế là chúng tôi nhờ một thanh niên dẫn đường vòng lại phía đông sườn núi để trở lại trại bò.

Trên đường "rút lui", thấy hàng chục miệng hầm có diện tích hơn 1m2, gia cố bằng cây rừng với độ sâu từ 15 - 20m được đào ngổn ngang, phía dưới đáy đào hầm ếch xuyên lòng đất ngang dọc.

Anh thanh niên này cho biết, hầu hết các "ông chủ" khai thác vàng tại đây đều đến từ tỉnh Thái Nguyên. Họ có kinh nghiệm trong việc khai thác vàng, và tất nhiên, trong số họ có cả những người tiêm chích xì ke, ma tuý và các loại tội phạm khác lẩn trốn Công an. Đã có nhiều vụ tranh chấp dẫn đến xô xát xảy ra sứt đầu, mẻ trán của đội quân "khoáng tặc" giữa các lán trại với nhau.

Hiện nay, một số "khoáng tặc" đã chuyển hướng sang khai thác vàng trái phép tại thôn Đắk Ri Peng, xã Tân Cảnh.

Ra đến trại bò, mới thấy nhẹ người, bởi chuyến "thám hiểm" bãi vàng này của chúng tôi không được ai yểm trợ. Gặp một người đi xe máy chở đá từ bãi vàng ra cho biết, do bị truy quét gắt gao nên họ chở đá ra xã Diên Bình (huyện Đắk Tô) bán cho mấy chủ xay đá với giá từ 350-400 ngàn đồng/bao. Bình quân mỗi ngày họ có thể chở được từ 3 - 4 chuyến.

Đứng nhìn rừng Pô Kô bị bọn "khoáng tặc" tàn phá tan hoang, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mặc dù không được "mục sở thị" toàn bộ khu vực bãi vàng, nhưng chỉ một lần đến đây và với thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã thấy rừng và nước Kroong Pô Kô loang lổ, đục ngầu dưới bàn tay tàn phá của "khoáng tặc" hoành hành

Tuấn Vũ
.
.
.