Khổ như giáo viên mầm non dân lập

Thứ Bảy, 07/03/2009, 19:19
Mức lương giáo viên MN dân lập hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu do cha mẹ học sinh "định đoạt", tối đa chỉ 500 - 600 ngàn đồng/tháng.

Theo xu thế chung, trong vòng 5 năm trở lại đây, dân số Hải Phòng không ngừng gia tăng, từ 1,6 triệu lên xấp xỉ 1,8 triệu người. Theo đó, ngành học Mầm non (MN) cũng tăng gần 9.000 trẻ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường, lớp cũng như đội ngũ giáo viên của bậc học này ở thành phố lại tỷ lệ nghịch với sự phát triển đó. Nghĩa là không tăng, thậm chí khập khiễng, mất công bằng giữa "con nuôi" (trường dân lập) và "con đẻ" (trường công lập). 

Nghịch lý "con nuôi", "con đẻ"

Thành phố Hải Phòng hiện có 250 trường MN, trong đó 73 trường công lập, 169 trường dân lập và 8 trường thuộc khối cơ quan, xí nghiệp. Báo cáo của ngành Giáo dục Hải Phòng mới đây cho hay, cơ sở vật chất trường, lớp MN ở các địa phương hiện quá thiếu, không đáp ứng được nhu cầu.

Thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng trẻ đến trường, lớp MN tăng gần 9.000 trẻ (tương đương với 30 trường có quy mô 300 trẻ/trường), trong khi đó, chỉ xây dựng thêm 4 trường MN. Bởi vậy, cả trường công lập lẫn trường dân lập đều quá tải. Nhiều trường MN ngoại thành phải sử dụng cả những phòng học tạm hoặc đi học nhờ; rất ít trường xây dựng được phòng chức năng nên hạn chế trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Chúng tôi đã về một số xã vùng sâu, vùng xa của Hải Phòng, như: Gia Minh, Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Đông Hưng, Tây Hưng (huyện Tiên Lãng), Trấn Dương, Tiền Phong, Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo)… nhiều bậc phụ huynh ở đây đã gọi các cô giáo MN địa phương là những giáo viên "ba không".

Xã hội hoá đầu tư thiết bị-mô hình của Trường MN xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụỵ (Hải Phòng).

Sở dĩ như vậy vì, các cô là giáo viên trường dân lập. Mức lương của cô hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu do cha mẹ học sinh "định đoạt", tối đa chỉ 500 - 600 ngàn đồng/tháng. Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng thực tế, nếu so sánh thu nhập giữa giáo viên MN dân lập và giáo viên MN công lập thì quả, một trời một vực.

Điều này không đơn giản chỉ là sự khó khăn về đời sống của đội ngũ giáo viên MN khu vực ngoại thành, mà từ những khó khăn này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chưa kể, sự mặc cảm giữa "con nuôi" (trường dân lập) và "con đẻ" (trường công lập) ít nhiều cũng đã tạo ra cho các cô giáo tâm lý tự ti, thiếu hào hứng, sáng tạo để hết lòng vì sự nghiệp "trồng người".

Cần thay đổi tư duy đối với giáo dục mầm non

Trở lại vấn đề tư duy giáo dục MN. Được biết mới đây, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã xây dựng Đề án "Phát triển giáo dục MN Hải Phòng đến năm 2015". Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ giáo viên đạt chuẩn, trong đó 60% trên chuẩn, 97% trẻ 3-5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo và 50% cơ sở giáo dục MN đạt chuẩn quốc gia…

Để đạt được mục tiêu này, phương án mà Đề án nêu ra là: Chuyển tất các trường MN sang mô hình công lập tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần trên cơ sở thay đổi cách phân bổ ngân sách chi cho giáo dục MN, bằng cách: Xây dựng định mức chi trên đầu trẻ trong độ tuổi phù hợp với sự phát triển KT-XH của từng khu vực; đồng thời xây dựng cơ chế hợp lý về mức thu học phí trên nguyên tắc thu đủ bù chi…

Theo một chuyên gia về giáo dục ở Hải Phòng, phương án này sẽ giải quyết được tình trạng quá tải ở các trường MN nội thành và điều kiện kinh tế khó khăn ở ngoại thành. Trên cơ sở phân vùng KT-XH phát triển, người dân có khả năng đóng góp cao thì tỷ lệ đầu tư của Nhà nước/trẻ thấp và ngược lại. Như vậy, công tác xã hội giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho tất cả các loại hình giáo dục MN phát triển.

Tuy nhiên, Đề án do Sở GD&ĐT Hải Phòng xây dựng này, có được phê duyệt và khả thi hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố... Bởi thế, việc triển khai sẽ không thể là một sớm, một chiều. Trong khi đó, khó khăn đối với đời sống của đại bộ phận giáo viên MN ngoại thành Hải Phòng ngày càng nhiều, không thể để kéo dài.

Vậy nên, TP Hải Phòng cần có những quyết sách mạnh mẽ, cả trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành học này. Chỉ có như vậy mới đảm bảo duy trì được sự ổn định và phát triển giáo dục MN Hải Phòng tương xứng là nền móng của giáo dục quốc dân mà quan điểm giáo dục của Đảng đã vạch ra

Lệ Thu
.
.
.