Quản lý người ăn xin, lang thang trên địa bàn TP Hồ Chí Minh:

Khó khăn nếu không giải quyết từ gốc

Thứ Tư, 07/01/2015, 08:41
Việc UBND TP mạnh tay trong việc quản lý người lang thang, ăn xin là một việc làm thiết thực để TP Hồ Chí Minh văn minh lịch sự hơn, đẹp hơn trong mắt du khách người nước ngoài.

Việc đưa người lang thang, người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội là một biện pháp được người dân TP Hồ Chí Minh ủng hộ và cho rằng kế hoạch này sẽ làm cho TP Hồ Chí Minh văn minh, đẹp mắt hơn trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước, tránh tình trạng chèo kéo, phản cảm gây khó chịu cho những du khách đến tham quan thành phố. Tuy nhiên, dư luận đặt ra vấn đề liệu kế hoạch này sẽ thực hiện ra sao, đối tượng bị thu gom là như thế nào và giải quyết tình trạng này có triệt để hay không?

Trước khi UBND TP Hồ Chí Minh quyết liệt trong việc “quản lý người ăn xin không nơi cư trú nhất định và người lang thang trên địa bàn” thì TP Đà Nẵng đã thành công trong việc quản lý những đối tượng lang thang, ăn xin tại địa bàn của mình. Cách làm của TP Đà Nẵng được xem là căn cơ khi giải quyết được vấn đề tận gốc là giải pháp… xóa đói giảm nghèo. Trước khi thu gom các đối tượng vào trung tâm, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định nâng cấp mức trợ cấp cho người nghèo, người tàn tật. Hỗ trợ người dân xóa hộ đói, hộ nghèo, xóa nhà tạm, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng và cải thiện đời sống của người dân…

Vậy TP Hồ Chí Minh sẽ đi theo hướng nào để giải quyết vấn đề người lang thang, người ăn xin không có nơi cư trú rõ ràng trên địa bàn thành phố. Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP nhất là Quyết định số 49, quyết định hoàn chỉnh về việc “quản lý người ăn xin không nơi cư trú nhất định và người lang thang trên địa bàn”, trong đó quyết định này không phải là giải pháp theo đợt mà xuyên suốt của thành phố, trong đó công tác quản lý phải đồng bộ từ nhiều cấp.

Đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn sẽ được các quận, huyện tập trung và đưa về trung tâm phân loại, làm công tác tư tưởng, tuyên truyền. Những người có đủ điều kiện sẽ được chuyển vào trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng dạy nghề để họ có một công việc ổn định. Những người lang thang ở các tỉnh được chuyển về địa phương với sự giám sát của địa phương đó, riêng người già, người tàn tật không có nơi cư trú nhất định sẽ được chuyển vào các trung tâm thích hợp để tiện chăm sóc.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên việc những người từ các nơi đổ về sinh sống là điều tất yếu, trong đó người lang thang, ăn xin cũng nằm trong trường hợp đó. Ngoài ra người dân thành phố có tấm lòng nhân ái nên dễ mủi lòng trước những tình cảnh khó khăn và sẵn sàng cho tiền họ. Từ thực tế này, nhiều người bị các đối tượng lợi dụng chăn dắt và kiếm sống bằng tình thương của người dân. Những đối tượng giả danh hành khất, xin ăn, bệnh tật (trong đó có cả người nước ngoài) bị các đối tượng lợi dụng để làm giàu bất chính. Về vấn đề này, các ban, ngành đã phối hợp với các đơn vị Công an điều tra xử lý.

Ông Giang cho hay, giải quyết vấn đề ban đầu như thu gom, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề thì thành phố đã và đang tiếp tục làm. Tuy nhiên, vấn  đề căn cơ và không để tái diễn những hình ảnh trên ở TP Hồ Chí Minh là phải giải quyết các trường hợp lang thang, ăn xin một cách đồng bộ, từ phía gia đình, địa phương nơi những người này lưu trú và phải có giải quyết từ gốc. Đó là làm sao để cuộc sống của họ ổn định hơn bằng các chính sách, như vậy người lang thang, xin ăn ở TP Hồ Chí Minh sẽ giảm đáng kể. 

Hình ảnh người ăn xin làm xấu bộ mặt thành phố.

Trước mắt những người lang thang, xin ăn còn đủ năng lực làm việc, các trung tâm bảo trợ xã hội sẽ dạy nghề cho họ, liên hệ với những doanh nghiệp để tạo việc làm cho họ, giúp họ có việc làm ổn định để trở lại với cộng đồng.

Dân gian ta đã đúc kết “Cách cho hơn của đem cho”. Việc người dân thường xuyên cho tiền người lang thang ăn xin không đúng cách đã tạo cơ hội cho các đối tượng khác lợi dụng trục lợi từ những người nghèo gây ra tình trạng người lang thang, ăn xin tái xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Việc UBND TP mạnh tay trong việc quản lý người lang thang, ăn xin là một việc làm thiết thực để TP Hồ Chí Minh văn minh lịch sự hơn, đẹp hơn trong mắt du khách người nước ngoài.

Để làm được việc này, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp đồng bộ, có chính sách hợp lý, xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện cho những trường hợp trên có việc làm ổn định giúp họ trở lại với cộng đồng một cách lành mạnh, sống có ích cho gia đình và xã hội.

M.Đức
.
.
.