Khô hạn diện rộng ở miền Trung sẽ kéo dài tới tháng 9

Thứ Sáu, 20/03/2015, 11:57
Mặc dù mới chớm vào mùa khô song các tỉnh Nam Trung Bộ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn nghiêm trọng. Năm nay, với sự xuất hiện của El Nino, tình trạng khô hạn, thiếu nước được dự báo sẽ diễn ra trên diện rộng với mức độ gay gắt hơn. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo CAND đã trao đổi với một số chuyên gia khí tượng thuỷ văn của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương:

Nam Trung Bộ và Nam Bộ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của El Nino

PV: Mới chớm mùa khô, các tỉnh Nam Trung Bộ đã đối mặt với khô hạn gay gắt. Phải chăng El Nino đã xuất hiện?

Ông Nguyễn Hữu Hải: Hiện tại El Nino vẫn chưa xuất hiện. Hiện nay, hiện tượng ENSO (sự kết hợp đồng thời của El Nino và La Nina) đang ở trạng thái pha nóng. Dự báo trong những tháng tới El Nino sẽ xuất hiện. Khả năng xuất hiện El Nino vào khoảng 50-60%.

PV: Nếu xuất hiện, cường độ của El Nino năm nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hải: El Nino năm nay được dự báo chỉ có cường độ yếu hoặc trung bình chứ không phải mạnh. Năm 1998 được coi là năm El Nino mạnh nhất trong lịch sử, gây ra nắng nóng, khô hạn trên toàn quốc. Chu kì xuất hiện của El Nino thường là 2-3 năm, có lúc dài hơn. Nguyên do là nhiệt độ nước biển tăng. Nếu xuất hiện, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Hữu Hải - Trưởng phòng dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài.

PV: Thưa ông, năm nay dự báo có bao nhiêu đợt nắng nóng? Thời điểm nào nắng nóng gay gắt nhất?

Ông Nguyễn Hữu Hải: Với điều kiện kĩ thuật hiện tại, rất khó dự báo được chính xác số lượng đợt nắng nóng. Tuy nhiên, nắng nóng sẽ gay gắt nhất vào tháng 5-6 ở miền Bắc, kéo dài tới tháng 7 ở miền Trung. Nhiều khả năng, nắng nóng sẽ diễn ra thành nhiều đợt hơn, song ít kéo dài hơn so với năm 2014.

Khô hạn diện rộng sẽ tương tự năm 2003

PV: Ông có nhận định gì về tình hình khô hạn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thời điểm hiện tại?

Ông Bùi Đức Long: Khu vực này phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy trên sông Mê Kông. Hiện tại, ở thượng nguồn sông Mê Kông, dòng chảy đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-30%. Đến tháng 4-5, do vận hành xả lũ bên Trung Quốc và các hồ chứa trên sông nhánh ở Việt Nam, dòng chảy sẽ được bù đắp phần nào. Cả năm 2014, khu vực miền Trung mưa rất ít, lượng nước thiếu hụt từ 40-50%. Ở nhiều hạ lưu sông không có lũ, nhiều trạm đỉnh lũ thấp nhất lịch sử.

Nhiều diện tích lúa vụ bị mất trắng hoặc giảm năng suất do khô hạn. Ảnh minh họa.

Các hồ chứa cũng thiếu nước, nhiều hồ chỉ đạt 40-50% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ chưa đạt 40%. Do vậy, để phục vụ mùa khô tới sẽ rất căng thẳng. Khô hạn năm nay sẽ tương tự hoặc có khả năng gay gắt hơn 2003 (năm diễn ra khô hạn trên diện rộng, nhiều hồ chứa mực nước cạn kiệt).

Miền Đông Nam Bộ cũng sẽ khô hạn nhưng không gay gắt. Ở Nam Trung Bộ, hiện tại khô hạn nặng nhất là Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

PV: Dự báo khi nào tình hình khô hạn ở Nam Trung Bộ mới được cải thiện?

Ông Bùi Đức Long: Mùa khô ở Nam Trung Bộ còn kéo dài tới tháng 9. Khoảng thời gian từ tháng 7-9 là thời điểm nắng nóng nhất ở Trung Bộ. Khi đó hầu như không có mưa nên khô hạn sẽ diễn ra gay gắt. Do mùa mưa đến muộn nên phải đến tháng 9 tình hình khô hạn mới được cải thiện.

Ông Bùi Đức Long – Trưởng phòng dự báo thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

PV: Dưới góc độ của chuyên gia về thuỷ văn, ông có kiến nghị giải pháp gì để phòng chống khô hạn, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân?

Ông Bùi Đức Long: Mùa khô ở miền Trung thường kéo rất dài, nếu Bắc Bộ chỉ từ 3-6 tháng thì miền Trung thường là 8-9 tháng. Đây lại là khu vực nắng nóng nên khô hạn thường xuyên xảy ra. Các sông ở miền Trung lại ngắn, dốc, không có vùng trung lưu. Khi có mưa, nước ở thượng nguồn chảy ra biển luôn. Để giữ nước, miền Trung cần phát triển các hồ chứa trên các lưu vực sông. Khi xảy ra khô hạn, các hồ chứa phải điều tiết theo hướng ưu tiên hàng đầu cho sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa cũng phải cân nhắc cho hợp lí, tránh xây dựng tràn lan gây “lũ chồng lũ” trong mùa lũ. Ngoài ra, các tỉnh miền Trung cũng phải thay đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế trồng lúa, chuyển đổi sang các loại cây sử dụng ít nước hơn. Ở các cửa sông, để giữ nước ngọt cần xây dựng các kè ngăn mặn.

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.