Khi tài xế "có chút men" trước khi cầm tay lái

Thứ Tư, 06/01/2010, 11:57
Có mặt tại một quán ăn dành cho xe khách, xe tải đường dài cuối TP Thanh Hóa, chúng tôi chứng kiến cảnh trên bàn ăn dành riêng cho các nhà xe vẫn có bia và rượu vodka. Nhiều lái xe tại Bến xe phía Nam (Hà Nội) biện bạch: Đi đường xa mệt mỏi, đến bữa cũng phải làm một đôi chén dù không nhiều. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển ôtô sử dụng rượu bia.

Tập trung xử lý mạnh tình trạng lái xe sử dụng rượu bia khi cầm lái. Đó là một trong những chủ trương được Cục CSGT đường bộ - đường sắt chỉ đạo trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng có liên quan do người cầm lái sử dụng rượu bia đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng này.

Theo Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực bắt đầu từ 1/7/2009 thì hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện sẽ nhận hình thức xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên thực tế trên một số tuyến giao thông thời điểm cuối năm 2009, chúng tôi nhận thấy mặc dù Luật đã có hiệu lực nhiều tháng nay nhưng tình trạng vi phạm vẫn phổ biến.

Có mặt tại một quán ăn dành cho xe khách, xe tải đường dài cuối TP Thanh Hóa, chúng tôi chứng kiến cảnh trên bàn ăn dành riêng cho các nhà xe bên cạnh nước ngọt vẫn hiện diện bia và rượu vodka.

Nhiều lái xe chúng tôi tiếp xúc tại Bến xe phía Nam (Hà Nội) cho biết: Đi đường xa mệt mỏi, đến bữa cũng phải làm một đôi chén. Uống nhiều thì chả ai dám. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì đối với người điều khiển ôtô nghiêm cấm sử dụng rượu bia.

Ngăn ngừa đội ngũ lái xe uống rượu bia cần sự nhập cuộc của doanh nghiệp.

Dư luận vẫn chưa quên vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe chở khách tham quan ở Đoan Hùng (Phú Thọ) làm 8 người chết và 17 người bị thương nặng ngày 20/9/2009. Nguyên nhân ban đầu theo điều tra của Công an là do lái xe sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Trước tình trạng gia tăng về mật độ, số lượng phương tiện giao thông những tháng cuối năm, Tổng cục Cảnh sát đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai "Kế hoạch hành động thực hiện quy định về nồng độ cồn đối với lái xe".

Tổng cục Cảnh sát yêu cầu Cục CSGT đường bộ - đường sắt chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 15 đầu việc từ nay đến hết năm 2010, trong đó đáng chú ý là: Xây dựng Thông tư liên tịch (Bộ Công an - Bộ Y tế) hướng dẫn về việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với lái xe; rà soát việc trang bị, sử dụng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở đối với lực lượng CSGT toàn quốc. Nghiên cứu chuyên đề về tác động của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và TNGT đường bộ…

Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng đã có kế hoạch rà soát việc trang bị, sử dụng máy đo nồng độ cồn. Tổ chức TTKS, xử lý vi phạm chuyên đề đối với lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, chỉ đạo thực hiện trong toàn quốc và trực tiếp bố trí lực lượng thí điểm tại một số địa phương trọng điểm hay xảy ra TNGT do nguyên nhân rượu bia…          

Ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia tham gia giao thông là vấn đề nan giải. Làm việc với lực lượng chức năng một số địa phương chúng tôi nhận thấy: Nếu như các doanh nghiệp lớn, uy tín đội ngũ lái xe có ý thức chấp hành tốt hơn thì đối với xe tư nhân tình trạng vi phạm khó kiểm soát.

Một trong những doanh nghiệp làm khá tốt quy định này là Công ty Cổ phần Hoàng Hà. Trong số 10 điều quy định những việc lái xe, phụ xe không được làm của đơn vị này niêm yết công khai có quy định: "Tất cả các thành viên trong công ty không được uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc".

Làm việc với lực lượng CSGT một số địa phương có tuyến quốc lộ 1 đi qua, chúng tôi nhận thấy: Hầu hết các địa phương rất ngại xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Lý do là để xử phạt được một trường hợp vi phạm rất mất thời gian.

Đấy là chưa kể đến tình trạng chống đối của người vi phạm khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính vẫn là do thiếu máy đo nồng độ cồn. Tại nhiều địa phương số lượng máy đo nồng độ cồn chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi địa bàn rộng, số lượng tổ công tác đông.

Đấy là chưa kể đến lực lượng Công an các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh thì hầu như chưa được trang bị. Thiếu trang thiết bị, dừng xe kiểm tra lại gặp phải sự chống đối nên việc xử lý vi phạm này hầu như rất ít.

Nhiều đơn vị, địa phương chỉ triển khai thực hiện vào những giai đoạn cao điểm hoặc là tiến hành xử phạt để ghi hình phục vụ tuyên truyền và giáo dục người tham gia giao thông chấp hành luật.

Đức Thọ
.
.
.