Khi lãnh đạo liên bộ Giao thông-Công an ‘vi hành’ chống mắt cắp hành lý

Thứ Tư, 24/06/2015, 09:48
Liên quan đến vấn đề mất cắp hành lý tại sân bay, lãnh đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) đánh giá: “Khách quan mà nói, rạch đúng chỗ là phải có sự móc nối. Phần lớn mất hành lý hàng hóa ở khâu cách ly nên hành vi này phải xảy ra trong nội bộ”…

Chiều 22/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã trực tiếp lên kiểm tra công tác vận chuyển hành lý tại Cảng Hàng không Nội Bài.

Tại ga Hàng hóa Cảng Hàng không Nội Bài, chứng kiến quy trình hoạt động của dây chuyền vận chuyển hành lý của hành khách đi máy bay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã tỏ rõ thái độ không hài lòng khi tình trạng mất cắp hành lý tại sân bay còn tồn tại, thậm chí là gia tăng.

Bộ trưởng Bộ GTVT chất vấn lãnh đạo các đơn vị hàng không về quy trình tuyển dụng nhân sự như thế nào? Có các vụ việc bắt được thủ phạm phải điều tra xem ai tuyển dụng vào? Đã đúng quy trình hay chưa?

“Các anh phải quản lý, tìm hiểu các đối tượng được tuyển dụng vào làm việc tại các cảng hàng không, đặc biệt là công nhân viên làm tại các khâu liên quan đến vận chuyển hàng hóa của khách cẩn thận. Công nhân được thuê theo “mùa vụ” cũng phải được xét tuyển kỹ càng, nếu không sẽ đưa cả kẻ cắp vào làm việc”, Bộ trưởng gay gắt.

Cần bịt kín những kẽ hở trong vận chuyển hành lý tại các sân bay.

Kiểm tra các khâu từ dây chuyền vận chuyển hàng hóa đến phòng kiểm soát an ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, tại các khu vực liên quan đến hàng hóa của khách hoặc khu chứa hàng… phải lắp đặt thêm camera giám sát; kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra dây chuyền vận chuyên hành lý. Tới đây, phải phân định rõ từng khu vực trong sân bay thuộc phạm vi hoạt động và trách nhiệm của bộ phận nào, ai chịu trách nhiệm. Hàng hóa vận chuyển, đến từng công đoạn phải được xác định được còn nguyên vẹn hay không, mất mát hỏng hóc xảy ra ở công đoạn nào phải phát hiện được và gắn với trách nhiệm của công đoạn đó, Bộ trưởng chỉ đạo.

Trước đó, tại một cuộc họp về chống mất cắp hành lý tại sân bay, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận – Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) cũng thẳng thắn đưa nhận định, thời gian qua, dù việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT phải nói là có hiệu quả, nhưng vẫn còn mặt nào đó chưa hiệu quả như vấn đề mất cắp hàng hóa của hành khách. Vấn đề bức xúc nhất là mất cắp hàng hóa không chỉ của hành khách, mà của cả khách đặc biệt.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, phần lớn mất hành lý hàng hóa ở khâu cách ly nên hành vi này phải xảy ra trong nội bộ. Khâu tuyển nhân viên hợp đồng không được tuyên truyền, giáo dục, dẫn đến thiếu trách nhiệm. Ví dụ, một đối tượng truy nã còn lọt vào công ty xuất ăn, lên tới chức trưởng phòng tổ chức, của hàng không tại Hồ Chí Minh mà không biết. Điều này có thể nói, công tác tuyển dụng còn bị coi nhẹ. Thời gian tới, nhu cầu đi lại của hành khách tiếp tục gia tăng, vì vậy cần có những giải pháp. 

Thiếu tướng cho biết, sẽ chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp thực hiện; tổ chức một số chuyên án về việc mất trộm tại một số sân bay quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ sở cấp hàng hóa tuyển dụng nhân viên phải trả lương xứng đáng. Nhân viên bốc xếp phải có chính sách rõ ràng với người làm thời vụ để ngăn tình trạng đánh cắp. Chỉ đạo các đơn vị liên quan, làm công tác chính trị tư tưởng cho nhân viên trong vấn đề vận chuyển bốc xếp hàng hóa; bổ sung một số khâu còn sơ hở; quy định trách nhiệm người đứng đầu ca trực; rà soát cấp lại thẻ cho đúng đối tượng…, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp yêu cầu.

Đặng Nhật
.
.
.