Khi bác sỹ "phán" ung thư ra bệnh khác

Thứ Hai, 08/12/2008, 08:57
Một bệnh nhân mắc bệnh sarcôm Ewing xương cánh tay nhưng do được chẩn đoán giải phẫu bệnh là viêm xương, và theo chỉ định, bệnh nhân đã được lên bàn mổ để… nạo tổn thương xương tới 3 lần khiến khối u lớn và lan rộng với tốc độ rất nhanh.
Ngay trong cuộc hội thảo về phòng chống ung thư lần thứ 11 tại TP Hồ Chí Minh, một trong những lời "thú nhận" hiếm hoi của ngành Y đã được phát biểu công khai tại hội nghị từ một khảo sát thực tế của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (BVCTCH) TP Hồ Chí Minh: Bác sỹ còn sai sót nhiều lắm khi điều trị cho bệnh nhân (BN)…

Sự thật của công bố đáng chú ý này là trong 2 năm từ tháng 1/2006 tới tháng 6/2008, tại Khoa Bệnh học cơ - xương - khớp BV CTCH TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận được 36 trường hợp các BN mắc bệnh ung thư xương nhưng đã được các bác sỹ (BS) từ nhiều nơi chẩn đoán thành nhiều bệnh khác nhau: 11/36 trường hợp được cho rằng BN mắc bệnh viêm xương, 8 trường hợp được chẩn đoán gãy xương, 5 trường hợp BS khẳng định BN bị… bướu lành; các trường hợp còn lại được chẩn đoán mắc các bệnh như sưng đau, chấn thương, viêm khớp, viêm cơ hóa xương,… thậm chí có người được chẩn đoán ra bệnh thoát vị đĩa đệm. Chỉ duy nhất 1/36 trường hợp nhầm lẫn trên được chẩn đoán gần đúng: ung thư di căn.

Từ việc chẩn đoán lâm sàng dẫn tới việc chỉ định cho BN chụp hình ảnh sai lệch, dựa trên kết quả lâm sàng cùng hình ảnh tất yếu dẫn tới việc BS xử lý tổn thương… trật.

Có 14 trường hợp BN đã được các BS tuyến dưới vội vàng không kịp làm sinh thiết xác định bệnh mà thực hiện xử lý ngay tổn thương. Theo BS Dũng (BV CTCH TP Hồ Chí Minh), đây là nguyên nhân chính dẫn sai sót trong điều trị chuyên môn. Tìm hiểu ra mới biết do các phẫu thuật viên quá tự tin vào chẩn đoán lâm sàng của mình mà không kiểm tra lại và làm sai nguyên tắc.

Cũng có BS do chưa nắm vững hoặc chưa được học về nguyên tắc điều trị các bướu xương. Hoặc có làm sinh thiết nhưng lại chẩn đoán sai.

Một dẫn chứng cho thấy sai lầm nghiêm trọng là 1/36 trường hợp trên mắc bệnh sarcôm Ewing xương cánh tay nhưng do được chẩn đoán giải phẫu bệnh là viêm xương, và theo chỉ định, BN đã được lên bàn mổ để… nạo tổn thương xương tới 3 lần khiến khối u BN lớn và lan rộng với tốc độ rất nhanh.

Sau thời gian điều trị không thấy đỡ, BN hốt hoảng tới BV CTCH và được "xác định" lại, hóa trị hỗ trợ nhưng cũng vẫn phải phẫu thuật tháo khớp vai ngực.

Hậu quả của việc bỏ qua sinh thiết trên còn khiến 7/36 trường hợp đã được mổ kết hợp xương để điều trị bệnh "gãy xương bệnh lý" bằng các nẹp ốc, đinh vít; 5 trường hợp được nạo tổn thương để dẫn lưu, 1 trường hợp được đem đi… cắt bỏ bướu.

Các sai sót không chỉ có ở BS đa khoa tỉnh mà có tới 9 trường hợp BN bị chẩn đoán lầm từ BV chuyên khoa loại 1 ở TP Hồ Chí Minh, 17 BN từ BV đa khoa tỉnh, 4 trường hợp từ BV Trung ương và 6 trường hợp từ các BV ngành.

BS Dũng còn cho rằng, nguyên nhân 1 phần do đây là loại bệnh hiếm gặp (1% trong bệnh ung thư) nhưng nó thể hiện rõ nhất là dường như các BS CTCH đang có khuynh hướng "thích" thực hiện các kỹ thuật như kết hợp xương, thay khớp ngay khi thấy gãy xương mà quên phân tích xem có phải là gãy xương bệnh lý hay không; cách lấy và kỹ thuật sinh thiết chưa đạt yêu cầu; khâu khám bệnh và làm bệnh án cũng như nghiên cứu bệnh án chưa kỹ lưỡng.

Và vấn đề đặt ra trong Khoa CTCH nói riêng và trong điều trị bệnh nói chung đó là cần phải có những cuộc bàn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những đáng tiếc trên

H.Nga
.
.
.