TP Hồ Chí Minh:

Khắp nơi tận dụng... thuê trường

Thứ Năm, 07/09/2006, 08:30
Chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục đã làm nở rộ các hình thức đào tạo như liên doanh, liên kết, tư thục, dân lập, trung tâm dạy nghề... và mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi người.

Song bên cạnh đó, thực trạng đi thuê và cho thuê cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy của các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề - ngoại ngữ - tin học... với các trường công lập bậc giáo dục phổ thông ở TP Hồ Chí Minh hiện nay đáng báo động.

Bất kỳ bậc phụ huynh và người dân thành phố nào khi đưa con đến trường hoặc đi ngang qua các cổng trường tiểu học, THCS, THPT đều thấy bên cạnh biển ghi tên trường trước cổng đều kèm theo băng rôn, bảng hiệu của một vài đơn vị đào tạo nào đó như cơ sở đào tạo đại học, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học, trung tâm dạy nghề... đặt tại trường... Vấn đề gây bức xúc trong dư luận phụ huynh học sinh khi hầu hết các trường công bậc giáo dục phổ thông của thành phố đều quá tải lượng học sinh, yếu tố này đã khiến nhiều trường không đủ điều kiện để đạt chuẩn quốc gia về sĩ số học sinh/lớp và diện tích m2/học sinh mặc dù các tiêu chí khác đều đạt và vượt chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Thậm chí, có dư luận trong phụ huynh học sinh xì xào rằng, một số trường đã khống chế số lượng, gạt bớt số học sinh được học đúng tuyến vào đầu mỗi năm học để đạt chuẩn! Vậy mà cơ sở vật chất trường công bậc giáo dục phổ thông của những trường này lẽ ra dùng để dạy những môn ngoại khóa, phụ đạo, bồi dưỡng hoặc trả lại môi trường trong lành cho buổi học tiếp theo của các em khi diện tích khuôn viên đã quá nhỏ, số lượng cây xanh đã quá ít... lại đồng loạt đem cho thuê!

Không biết những trường đem cơ sở vật chất trường công là tài sản của Nhà nước đem cho thuê này dựa trên những văn bản cho phép nào? Cơ quan Thuế có nắm được không? Ngành Giáo dục - Đào tạo liệu có biết? Trong khi theo giá thuê cơ sở vật chất là bất động sản hiện nay ở thành phố khá cao, tài sản cố định của Nhà nước thì vẫn phải khấu hao từng tháng, từng năm, phụ huynh học sinh thì vẫn phải è cổ đóng góp tiền xây dựng cho con em mình đều đặn và ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo thì vẫn có khoản chi thường xuyên kinh phí duy tu, bảo dưỡng sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường?

Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm, đó là theo quy định mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Nhưng phải đảm bảo yếu tố đối với bậc cao đẳng thì diện tích đất sử dụng phải tối thiểu 20.000m2 ở đô thị hoặc 40.000m2 ngoài đô thị, với bậc trung cấp nghề diện tích tối thiểu 10.000m2 trong đô thị hoặc 30.000m2 ngoài đô thị. Quy định này đã cho thấy, yếu tố cơ sở vật chất liên quan nhiều đến chất lượng đào tạo, như vậy khi một trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề... đi thuê cơ sở vật chất ở khắp nơi thì liệu có quản lý được chất lượng đào tạo hoặc có bảo đảm đủ cơ sở vật chất để thực hành?

Thực trạng trên đã đến mức báo động, câu trả lời giải quyết vấn đề này như thế nào chúng tôi xin dành cho các cấp lãnh đạo, quản lý mà trong đó trách nhiệm chính thuộc về ngành Giáo dục - Đào tạo

Đức Thắng
.
.
.