Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người:

Khảo nghiệm thú vị về những người có khả năng đặc biệt

Thứ Năm, 05/08/2010, 10:05
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp với Báo Khoa học & Đời sống tổ chức một cuộc khảo nghiệm thú vị với những người có khả năng đặc biệt.

Người bình thường khó ai có thể dựng đứng quả trứng trên một mặt phẳng, nhiều người tham gia cuộc khảo nghiệm đã cố gắng thử nhưng không được. Trước sự chứng kiến của đông đảo nhà khoa học, phóng viên, 4 người có khả năng đặc biệt là anh Phạm Khắc Khải, anh Trần Văn Lưu, anh Nguyễn Văn Thỉnh và anh Nguyễn Cường, đã biểu diễn dựng đứng các quả trứng gà, vịt trên mặt phẳng gương, đĩa, thậm chí cả mặt gương nghiêng, cạnh đĩa chếch so với mặt bàn.

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cho biết, có ý kiến cho rằng thao tác dựng đứng trứng chỉ là đánh lừa, vì khi dựng lên lòng đỏ và dây chằng của quả trứng sống có thể trôi xuống và tạo độ cân bằng trong lòng nó. Do đó, ban tổ chức đã chuẩn bị cả trứng gà sống, chín và trứng vịt lộn để khảo nghiệm, nhằm đảm bảo tính xác thực.

Anh Phạm Khắc Khải, một trong 4 người dựng trứng cho biết, anh đã làm được điều này từ hơn 10 năm nay. Anh khẳng định: "Tôi không thần thánh hoá quả trứng. Nhưng đúng là khi dồn tâm vào thì làm được". Anh Trần Văn Lưu còn cho biết thêm, sau hơn 10 năm làm công việc làm đài báo bão cho ngư dân đi biển, nhiều lúc không thu được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh phát hiện ra mình có khả năng dự báo thời tiết…(?).

Trứng dựng đứng trên mặt đĩa, gương phẳng, nghiêng trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ảnh: T.L.

Một cậu bé đặc biệt khác là Đặng Sử Bắc, 16 tuổi (Nông Cống, Thanh Hóa), có khả năng xoa chân và dần dần khỏi chứng bệnh bị mắc từ nhỏ. Em có nhiều khả năng khác thường như biết lái xe ôtô, máy xúc, dù không qua trường lớp nào, cảm giác như đôi chân "không xương", có thể thực hiện nhiều động tác uốn dẻo khó như một diễn viên xiếc…!

Trong thực tế, một số người được coi là có "khả năng đặc biệt" này đã được kiểm tra, chứng thực. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mới chỉ là lời khẳng định của nhân vật, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu và kết luận

T.Loan
.
.
.