Khánh Hoà: Nhân lực y tế thiếu trầm trọng

Thứ Tư, 23/08/2006, 07:51
Một điều khó hiểu là căn cứ để xây dựng kế hoạch biên chế mỗi năm cho ngành Y tế trong những năm qua là Quyết định 07 UB/LĐTL ngày 23/1/1975 của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về "Tiêu chuẩn tính toán kế hoạch lao động tiền lương" - một văn bản "khai sinh" cách đây hơn… 31 năm!?

Đó là một trong những thực trạng đáng quan tâm hiện nay trong ngành Y tế Khánh Hòa. Thực trạng này không chỉ ở tuyến cơ sở mà ngay cả tuyến tỉnh cũng đang thiếu bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học và cả cử nhân điều dưỡng.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa, tính đến nay toàn ngành có 2.114 cán bộ viên chức, trong đó có 1.768 trường hợp biên chế, còn lại 346 hợp đồng, so với chỉ tiêu biên chế tỉnh giao thì số lượng biên chế vẫn còn thiếu gần 600 người. Tuy nhiên, theo một cán bộ có chức trách ở Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, con số thiếu gần 600 người nêu trên chỉ có thể so với năm… 1975, còn so với nhu cầu thực tế tại thời điểm hiện nay thì biên chế cán bộ viên chức ngành Y tế tỉnh này vẫn còn thiếu gấp nhiều lần như thế.

Một điều khó hiểu là căn cứ để xây dựng kế hoạch biên chế mỗi năm cho ngành Y tế trong những năm qua là Quyết định 07 UB/LĐTL ngày 23/1/1975 của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về "Tiêu chuẩn tính toán kế hoạch lao động tiền lương" - một văn bản "khai sinh" cách đây hơn… 31 năm!?

Đó là thời kỳ bao cấp, còn bây giờ sau 20 năm đất nước đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, đặc biệt rất cần một đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên đủ trình độ năng lực sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng do chỉ tiêu biên chế theo định mức cũ "trói buộc" nên tình trạng thiếu nhân lực vẫn tái diễn, trong khi các bệnh viện thường xuyên quá tải bệnh nhân.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang thiếu 67 chỉ tiêu biên chế, chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa, chính vì vậy các bác sĩ, điều dưỡng viên của bệnh viện luôn bị "áp lực" công việc, không có thời gian học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Tương tự như thế, tại một số bệnh viện chuyên trách như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và các bệnh về phổi cho đến các bệnh viện tuyến huyện, rồi trạm y tế các xã, phường cũng lâm vào tình trạng thiếu nhân lực.

Dự kiến đến năm 2007, ngành Y tế Khánh Hòa cần phải tăng cường 700 chỉ tiêu biên chế cho tuyến huyện và tỉnh. Đơn vị có nhu cầu bổ sung chỉ tiêu biên chế nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: 210 người, Bệnh viện TP Nha Trang: 146 người… Trong những năm qua, ngành Y tế Khánh Hòa đã sử dụng một phần nguồn thu phí để hợp đồng thêm một lực lượng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao để "điền vào ô trống" tại các bệnh viện, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Thực trạng thiếu bác sĩ ở tuyến xã cũng là vấn đề nan giải đối với ngành Y tế Khánh Hòa. Với mục tiêu 100% số xã có bác sĩ trong năm 2010, nhưng thực tế đến nay mới chỉ có 60/137 xã, phường có bác sĩ, đạt 43,7%, trong khi đó việc đưa bác sĩ về xã gặp nhiều khó khăn vì thu nhập thấp, không có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Không ít bác sĩ chỉ lưu lại tuyến xã một thời gian ngắn, rồi tìm cách lên bệnh viện huyện hoặc nghỉ việc để hành nghề tư nhân. Nhân lực y tế ở Khánh Hòa vẫn… thiếu trầm trọng.

Giải quyết vấn đề này cần phải có một giải pháp chiến lược lâu dài, phải "cởi trói" định mức biên chế bằng những văn bản pháp quy sửa đổi, bổ sung cho ngành Y tế, kết hợp tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ ở các tuyến, cần có chế độ chính sách hợp lý cho bác sĩ tuyến xã để thu hút họ công tác ổn định lâu dài ở cơ sở, bảo đảm đến năm 2010 thực hiện mục tiêu 100% số xã có bác sĩ

Phan Văn Lương
.
.
.