Khẩn trương làm rõ những vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn ở Gia Lai

Thứ Tư, 09/03/2011, 08:35
Một vụ phá rừng trái phép có tính quy mô ở Chư Pưh, Gia Lai với số lượng hàng trăm mét khối gỗ được lâm tặc thực hiện công khai. Sau khi gỗ được triệt hạ, kéo ra tập kết về các bãi ngổn ngang thì mới bị lộ nên không thể "bịt" được nữa. Lúc này các cơ quan chức năng ở Chư Pưh mới "tá hỏa" báo cáo lên cấp trên.

Theo báo cáo ngày 21/1, thì gỗ được lâm tặc khai thác trái phép tại tiểu khu 1144 ở các vị trí lô 1, khoảnh 7, xã Ia Blư, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn quản lý. Tại đây, có 297 lóng gỗ được tập kết với khối lượng 128,4m3. Mở rộng hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện cách bãi gỗ số 1 khoảng 250m về phía Tây Nam, bãi gỗ số 2 còn sót lại 196 lóng gỗ tròn với khối lượng trên 100m3.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện 290 gốc cây gỗ có đường kính từ 15 đến 80cm ở tiểu khu 1144, thuộc rừng sản xuất, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn quản lý đã bị khai thác trái phép. Tại hiện trường, còn có 2 máy cưa mâm và 1 lán trại cùng nhiều mét khối gỗ xẻ chưa vận chuyển hết.

Không dừng lại ở đó, lâm tặc còn khai thác lấn thêm về phía khu rừng thuộc xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai với 145 gốc cây, đường kính từ 20 đến 85cm được cắt hạ trái phép và phía rừng Ea Súp, Đắk Lắk có 3 gốc cây gỗ khai thác trái phép. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định có 493 lóng gỗ với 234m3 gỗ tròn và 2,2m3 gỗ xẻ từ nhóm 1 đến nhóm 8 được thu giữ còn sót lại ở hiện trường.

Gỗ khai thác trái phép bị tạm giữ.

Cũng trong thời điểm trên, tại địa bàn xã Ia Muer, huyện Chư Prông, lực lượng Kiểm lâm cơ động tỉnh Gia Lai phát hiện 88m3 gỗ khai thác trái phép, tập kết công khai ở ngoài rừng. Bãi gỗ này được đổ ngay gần bãi gỗ khai thác trắng của Công ty Xây dựng Lâm Sơn nên nhiều người đã nhầm tưởng là gỗ hợp pháp. Qua kiểm tra, số gỗ này được khai thác trái phép tại các tiểu khu 989 và 990 rừng Ia Muer, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer quản lý.

Ngày 11/2, Hạt Kiểm lâm Chư Pưh đã ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển giao hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Pưh điều tra theo thẩm quyền. Theo Thượng tá Phan Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết, đây là một vụ án khá phức tạp nên cần phải có thời gian để làm sáng tỏ mọi việc. Trước đó, vụ khai thác gỗ trái phép ở địa bàn xã Ia Muer, huyện Chư Prông, cũng được Chi cục Kiểm lâm Gia Lai ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển giao hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Prông tiếp tục điều tra làm rõ.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, ở địa phương đã chỉ đạo rất gắt gao trong việc quản lý bảo vệ rừng nhưng xem ra kết quả vẫn chưa cao. Nhiều lúc đội công tác liên ngành của huyện do chính ông phụ trách nhưng trên đường đi bắt lâm tặc đã bị lộ từ chính nội bộ. Nói đến vụ khai thác rừng trái phép ở xã Ia Piơr với 145 gốc cây bị cắt hạ, ông Dũng nói ông không biết nhưng chắc "anh Bảy" biết (đồng chí Bùi Viết Hội, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông biết - PV).

Cuộc họp năm nào chúng tôi cũng nghe lãnh đạo tỉnh Gia Lai nói phải xử lý quyết liệt những kẻ phá rừng và Chủ tịch UBND các huyện để xảy ra mất rừng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên đến nay ở Gia Lai vẫn chưa thấy Chủ tịch huyện nào để mất rừng, để lâm tặc lộng hành bị xử lý kỷ luật. Nhiều người dân rất bức xúc, nếu không xử lý nghiêm những kẻ phá rừng và những người để mất rừng vì thiếu trách nhiệm thì sẽ tạo ra những tiền lệ xấu tiếp theo

Ngọc Như
.
.
.