Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 4

Thứ Hai, 01/12/2014, 07:10
Bão số 4 đã gây sạt lở 5km đê kè ven biển tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nghiêm trọng hơn nữa 100m kè chắn sóng ở Xương Lý, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý đã bị sóng biển xô sập. Chính quyền địa phương đã huy động nhân lực sử dụng bao cát để gia cố tạm thời các đoạn kè bị sạt lở.

Sau khi bão đổ bộ vào Bình Định, mưa lớn ở nhiều nơi khiến cho 13ha lúa mới gieo sạ ở hai phường Trần Quang Diệu, phường Nhơn Phú và 18ha rau, hoa màu ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn ngập úng. Trên các đường phố Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, bão đã quật đổ hàng chục cây xanh cổ thụ. Tại huyện Tuy Phước đến chiều tối 30/11, đã có 89 ngôi nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 27 ngôi nhà khác tốc mái, 8 trường tiểu học hư hỏng, nhiều trụ điện đổ gãy ngổn ngang và hàng chục hécta hoa màu hư hỏng.

Trưởng ban Phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định - ông Phan Trọng Hổ cho hay, thống kê sơ bộ, trên toàn tỉnh này đã có 92 ngôi nhà sập đổ, 45 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 3.983ha và 340 tấn lúa giống ngâm ủ bị hư hỏng; 70m đê biển và 1.470m kênh mương thủy lợi bị sạt lở; 6 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng…Tổng giá trị thiệt hại ước tính 50 tỉ đồng.

Cây xanh bị bật gốc khi bão đi qua.

Tại Phú Yên, mưa lớn ở thượng nguồn phía Tây Bắc khiến cho nước trên sông Kỳ Lộ dâng nhanh, cuốn trôi và gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường giao thông ở huyện Đồng Xuân. Cầu La Hai bắc qua sông Kỳ Lộ nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 641 đã bị ngập sâu gần 2m... Ông Võ Cao Phi - Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đến chiều tối 30/11, ở huyện Đồng Xuân có 14 ngôi nhà bị sập, nâng tổng số nhà bị sập đổ trên địa bàn tỉnh Phú Yên lên 47. Huyện Đồng Xuân là địa phương bị thiệt hại nặng nhất ở Phú Yên với tổng giá trị thiệt hại khoảng 2,2 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, sáng sớm 30/11, nước lũ từ thượng nguồn sông Kỳ Lộ đổ xuống với lưu lượng lớn, cường suất dòng chảy mạnh, tràn qua bờ đập Nhà máy thủy điện La Hiêng 2, ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Đây là đập nước tự tràn, không có cửa xả lũ nên có nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản hàng trăm hộ dân ở vùng hạ lưu. Chính quyền huyện Đồng Xuân đã vận động sơ tán người già, trẻ em ra khỏi tầm nguy hiểm của lũ. Được biết, thông tin nhanh từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đến 6h sáng 30/11, hầu hết các hồ thủy lợi từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang ở mức thấp, đạt 50-75% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa: Phú Lộc, Khe Tân, Thạch Bàn ở Quảng Nam; Di Lăng, Sở Hầu, Hóc Sằm ở Quảng Ngãi đã đầy nước. Ở Tây Nguyên, ngoại trừ hồ chứa Đắk Kan, Đắk Yên ở Kon Tum; Ea Uy, Ea Kao, Ea Sup Thượng ở Đắk Lắk đã đầy nước, hầu hết các hồ chứa còn lại  đạt khoảng 80-90% dung tích thiết kế. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phần lớn các hồ chứa thủy điện ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang ở mức thấp. Dự báo, trong ngày 30/11, lũ ở các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên nhanh, có khả năng đạt mức báo động II.

Cầu đường bộ La Hai trên tuyến tỉnh lộ 641, nằm cạnh cầu đường sắt La Hai, đã bị ngập sâu gần 2m.

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng Phú Yên, trong lúc tàu đánh cá PY-96182 TS do ông Lê Văn Sơn làm thuyền trưởng cùng 19 ngư dân đang vận hành ra khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão số 4, khi đến vị trí 13°15N-111° vào ngày 28/11 thì ngư dân Nguyễn Văn Tài rơi xuống biển mất tích do bất cẩn. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tìm kiếm.

Lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển vận động, hướng dẫn người dân sơ tán, giằng neo hàng chục ngàn lồng bè tôm cá ở Vũng Rô - huyện Đông Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Phương - thị xã Sông Cầu, An Hải, An Ninh Đông, An Chấn - huyện Tuy An; hỗ trợ ngư dân neo đậu hàng trăm tàu thuyền ở các vùng hạ lưu sông sông Bàn Thạch, Đà Rằng, Bình Bá, Tam Giang…
Hữu Toàn
.
.
.