Khai trường vùng cao - Nỗi lo còn đó

Thứ Tư, 04/09/2013, 11:23
Lên Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang) những ngày này đi đến điểm trường nào cũng thấy sự rộn ràng của thầy cô và trò đang chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới 2013 - 2014. Tuy nhiên, để có một ngày khởi đầu năm học mới trọn vẹn, các thầy cô giáo ở đây vẫn còn nhiều trăn trở trước những khó khăn chồng chất về cơ sở vật chất còn thiếu, lớp học tạm liêu xiêu và lo lắng hơn cả là tình trạng trẻ không đến trường, bỏ lớp đi làm nương…

Tại Trường PTDT bán trú THCS Xín Cái (Mèo Vạc), Hiệu trưởng nhà trường Lê Văn Thắng cho biết, hiện trường có 11 lớp học với 330 học sinh, trong đó có 315 học sinh ở nội trú. Bước vào năm học mới, công tác chuẩn bị cho khai giảng cơ bản đã hoàn tất, trường tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Như bao trường vùng cao khác, khó khăn chồng chất khó khăn, khi năm học mới bắt đầu, vào năm học cơ sở vật chất, đồ dùng học tập và vật dụng dùng trong sinh hoạt cho các cháu như chăn, màn còn thiếu rất nhiều, chỗ ở của các cháu hiện cũng chưa có đủ…

Bên cạnh nỗi lo đó, với thầy Thắng nỗi lo đóng học phí và tiền mua sách vở với các cháu ở đây là một gánh nặng lớn đối với gia đình. Ở đây, để duy trì đủ số học sinh đến lớp các thầy cô liên tục phải đi vận động từng gia đình, chỉ sợ các cháu nghỉ học đi làm nương. Mới đầu năm học, nhưng nỗi nhọc nhằn gánh chữ vùng cao vẫn là nỗi niềm chung của bao thầy cô cắm bản.

Điểm trường Khai Hoang III - Trường Mầm non Xín Cái - Mèo Vạc - Hà Giang.

Đi qua mấy con dốc quanh co, cheo leo với cua gấp và đá lởm chởm chúng tôi đến trường PTDT bán trú tiểu học Xín Cái, từ ngoài cổng trường đã thấy thầy và trò rộn ràng chuẩn bị cho lễ khai giảng đầu năm học. Học sinh ở các điểm trường đều tập trung về điểm trường chính để chuẩn bị, ai cũng háo hức, vui vẻ chờ đón ngày khai trường.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Hiển chia sẻ: “Trường năm nay có 563 học sinh học tập tại 1 điểm trường chính và 18 điểm trường lẻ, trong đó điểm trường Ngài Chồ cách xa điểm trường chính 16km, giáp với xã Sơn Vĩ, ở đây có 1 lớp 2 với 12 học sinh. Trong đó có 10 điểm trường là nhà cấp 4, 6 điểm trường là nhà tạm lợp tấm lợp proximăng, do mưa bão nên trước khi vào năm học nhà trường đều phải tu sửa lại các cháu mới có thể học được. Do địa bàn vùng cao, giáp biên nên các cháu đi học rất vất vả, sang năm học mới trường có 270 học sinh hộ nghèo và trẻ mồ côi được cấp sách vở, số còn lại đều phải tự túc. Đây là một trong vấn đề nan giải cho những người làm giáo dục vùng cao bởi từ trước đến nay các cháu đều được bao cấp, sang năm học này không được nữa, chúng tôi chỉ sợ các cháu không đi học”.

Ông Hiển thừa nhận: “Cái khó nhất là nâng cao chất lượng của học sinh và giữ cho các em khỏi bỏ học”. Năm nay nhà trường vận động được 98 – 100% trẻ đến lớp, tỷ lệ trẻ đi học đạt 90 - 95%.

Ông Lâm Quang Hưng – Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc cho biết, hiện trên toàn huyện có 57 đơn vị trường học, trong đó có 18 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 19 trường THCS, 1 trường THPT và 1 TTGDTX với gần 20 nghìn học sinh với 1.600 giáo viên. Giáo viên thiếu, cơ sở vật chất thiếu là những khó khăn thường trực ở vùng cao Mèo Vạc. Trước khi vào năm học mới, phòng đã phối hợp với các trường rà soát lại những điểm trường bị hỏng, xuống cấp để tu sửa lại 66  công trình phòng học tại 41 điểm trường của 18 xã, thị trấn… Trước ngày khai giảng, những công trình này đã được tu sửa xong.

Trong hệ thống lớp học của toàn huyện, thì điểm trường mầm non là khó khăn nhất hiện nay trong công tác giảng dạy do các lớp học phải học nhờ, học tạm, nhà lưu trú cho học sinh bán trú còn thiếu rất nhiều. Đến nay, cơ bản công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng trên toàn huyên đã hoàn tất, các trường sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 4 và 5/9. Ông Hưng cho biết thêm.

Điểm trường Tìa Kính - Trường Mầm non Xín Cái - Mèo Vạc - Hà Giang.

Rời Xín Cái chúng tôi đến Trường PTDT bán trú Tiểu học Lũng Cú (huyện Đồng Văn) Toàn trường hiện có 510 học sinh học tập tại một điểm trường chính và 7 điểm trường ở các thôn, trước thềm năm học mới các thầy cô giáo đã đến từng nhà để vận động trẻ đến lớp nên mỗi năm tỷ lệ trẻ đến lớp của trường đạt 98,36%. Trong đó, điểm trường Sán Chồ là điểm trường xa nhất, xa các trường chính đến 8km, điểm trường này có lớp một và lớp hai với 28 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Lũng Cú cho biết, công tác chuẩn bị cho khai giảng của trường cơ bản đã hoàn thành, chiều 2/9 học sinh bắt đầu tập trung về điểm trường chính để chuẩn bị cho lễ khai giảng vào ngày 3/9. Trong năm học mới, trường còn 2 điểm trường sử dụng nhà tạm lợp vách nứa ở Tả Gia Khâu và Xáy Sà Phìn cách trường chính 5km. Học sinh lớp 1,2 thì học tại điểm trường, lên lớp 3 vào trường chính học bán trú. Lo ngại lớn nhất ở Lũng Cú là các cháu đi học xa, đường dốc, núi đá các cháu đến lớp chủ yếu là đi bộ nên tình trạng bỏ lớp vẫn thường xuyên xảy ra.

Năm học mới đã bắt đầu, những mầm non của núi rừng vẫn âm thầm cặm cụi bên từng con chữ nơi địa đầu Tổ quốc, mong ước một ngày mai tươi sáng

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.
.