Khai thác titan, phá nát một vùng quê

Thứ Tư, 18/05/2011, 15:39
Ba năm lại đây, làng quê Trung Tân, xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã không còn yên tĩnh. Những cánh rừng phi lao bạt ngàn được trồng từ cách đây 50 năm để chắn sóng biển; chắn cát bay, cát lấp... đã bị hủy diệt hoàn toàn để khai thác titan.

Ông Lê Hữu Văn, Phó bí thư Đảng ủy xã Sen Thủy buồn bã: "Dân kêu cứu lên xã, xã cũng chỉ biết kiến nghị lên huyện nhưng rồi mọi việc vẫn không được giải quyết".

Ông Văn bức xúc: "Việc khai thác titan trên địa bàn Sen Thủy đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân suốt ba năm nay. Trong đó, 16 hộ dân ở gần bãi khai thác titan thôn Trung Tân đã phải ngày đêm vật vã chống chọi với bão cát và sự khan hiếm nước sạch do hoạt động khai thác trên gây ra. Chưa hết, hàng trăm chuyến xe chở titan thô từ bãi khai thác đem đi bán, chạy ầm ầm mỗi ngày đêm, phá hết đường giao thông qua thôn. Người dân ở đây đã cùng nhau chặn xe, buộc đơn vị khai thác phải sửa chữa lại đường và không được chạy nữa. Nhưng rồi họ vẫn dàn xếp được mà đường sá thì mỗi ngày một hư nặng hơn".

Khai thác titan cày nát làng quê Trung Tân.

Chúng tôi đến hiện trường khai thác titan ở Bàu Dum và Bàu Tràm, thôn Trung Tân; trước mắt là những đồi cát trắng xoá với vô số hầm hố, máy hút cát đang chạy ầm ầm; bao bọc xung quanh là rừng cây phi lao hàng chục năm tuổi được trồng với mật độ khá dày.

Ông Lê Viết Lưu, một cựu chiến binh ở thôn Hòa Bình, Sen Thủy khoát một vòng tay về phía rừng, xót xa: "Ba năm về trước, những đồi cát trắng này là những cánh rừng phi lao xanh tốt, bám cát kiên cố qua hàng chục năm, vừa có tác dụng như một lá phổi về mặt môi sinh, vừa chắn sóng biển và nạn cát bay, cát lấp rất hữu hiệu. Thế mà chỉ trong ba năm, những cánh rừng này đã bị huỷ diệt tàn khốc". Để ý lắm chúng tôi mới nhận ra những cây trồng cao vài gang tay được trồng sau khai thác, còi cọc và héo quắt giữa sa mạc cát.

Ông Lê Xuân Luận, một người dân ở thôn Trung Tân bức xúc: "Hồ chứa nước Bàu Tràm không chỉ cung cấp nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân Sen Thủy, mà còn cung cấp cho người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thế nhưng đơn vị khai thác titan đã san lấp hoàn toàn hồ chứa nước này; nước từ đây cộng với lượng nước chua phèn thải ra từ các cỗ máy khai thác titan tràn vào đồng ruộng, làm cho toàn bộ cây cối trên đất bị ngập úng, chết trắng...".

Chúng tôi theo ông Luận đến khu vực đồng ruộng kể trên, ở đây không chỉ có cây lúa, hoa màu bị chết, mà rừng phi lao còn sót lại bao bọc quanh Bàu Tràm cũng đã chết đứng hàng loạt. Không chỉ có Bàu Tràm bị huỷ diệt, Bàu Dum với dung tích hàng chục nghìn mét khối nước, cung cấp cho hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Các kênh dẫn nước từ hồ chứa về đồng ruộng, khu dân cư đã bị cát lấp. Toàn bộ ruộng lúa, hoa màu ở thôn Sen Trung (Sen Thủy) vì vậy đã phải bỏ hoang...

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân trong vụ việc này, các ông Lê Hữu Văn, Nguyễn Văn Hiểu, Phó bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ đều lắc đầu ngao ngán: "Xã đã nhiều lần báo cáo và kiến nghị bằng văn bản lên huyện; được biết huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh nhưng rồi mọi việc vẫn không được giải quyết. Hoạt động khai thác titan ồ ạt, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề ở xã Sen Thủy đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn về trật tự và chính trị tại địa phương".

Tìm hiểu được biết, tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp phép cho ít nhất 4 đơn vị khai thác titan trên địa bàn Sen Thuỷ, gồm Công ty cổ phần XNK Quảng Bình; các Công ty TNHH Sen Hồng, Hoàng Long, Thanh Bình. Hầu hết các công ty này đều khai thác, chuẩn bị khai thác ở những nơi có rừng trồng từ 40 - 50 năm tuổi

Phan Thanh Bình
.
.
.