Quảng Trị:

Khai thác titan huỷ diệt môi trường

Thứ Năm, 17/02/2005, 13:44
Những cánh rừng phi lao xanh tốt ở vùng cát ven biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hơn 10 năm nay bị nạn khai thác titan đào xới, hủy diệt tận gốc. Trơ lại giữa cát là gió bụi, hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ các cỗ máy hút cát.

Đi trên vùng cát xã Thủy Khê, huyện Gio Linh, tôi không chỉ dùng chiếc khăn lớn bịt kín đầu mà còn phải đưa hai tay lên che mặt vì cát quất vào mắt, thọc vào tai. Cát xoáy ù ù trong gió, nghe như tiếng roi quất. Cát lồng lộn giữa sa mạc trắng, tỏa ra đủ các hướng, theo gió lấp dần ruộng đồng...

Chị Hồ Thị Hải, ở thôn Cang Gián, xã Thủy Khê quẩn quanh mấy vòng trên ruộng lạc, nói với tôi: "Không trông chi chú ơi, đã hai vụ mất trắng, vụ này rồi cũng mất trắng. Kiếm cái ăn trên cát đã khó, bây chừ càng khó hơn, đất đai ruộng đồng bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất do họ khai thác titan...".

Cách đây hai năm, rừng phi lao độ tuổi từ vài chục năm trở lên rất xanh tốt trên vùng cát Thủy Khê nhưng nay trơ lại toàn gốc cây khô quắt, chổng ngược lên trời.

Dày đặc trên các đồi cát là những hầm hố sâu hoắm với đủ đầy các loại dụng cụ đào bới cát của Công ty TNHH Tín - Đạt - Thành. Tôi qua mấy đồi cát nơi giáp ranh giữa hai xã Thủy Bạn - Gio Mỹ, không nằm trong diện tích đất được phép khai thác. Tuy nhiên, cách đó chưa đầy 100 mét có hai giàn máy khai thác titan án ngự ở hai đồi cát lớn, đang "rình rập" chĩa vào rừng xanh những cái vòi hút cát.

Kết quả thanh tra do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị tiến hành đầu tháng 4/2004 cho thấy, Công ty TNHH Tín - Đạt - Thành đã vi phạm nghiêm trọng phá hủy 1,8 ha rừng trong tổng số 6ha rừng phòng hộ ven biển xã Thủy Khê được trồng từ năm 1960.

Điều nữa khiến người dân hết sức bức xúc, nguồn nước ở vùng đồng kế cận khu vực khai thác titan bị ô nhiễm nghiêm trọng, đất đai trở nên bạc trắng, cây lúa, hoa màu không trồng được. Rừng bị mất kéo theo nhà cửa và hàng nghìn lăng mộ của nhân dân trên vùng cát đang có nguy cơ bị lấp dần...

 Khi cát không còn là cát...

Bờ biển dài hơn ba cây số từ thôn Mạch Nước đến thôn Tân Hòa xác xơ, tiêu điều vì "vàng đen". Trơ lại trên cát vẫn là hàng trăm thứ tạp chất độc hại, hầm hố sâu hoắm, gốc phi lao chổng ngược lên trời. Con đê chắn cát dài hơn 300 mét thuộc thôn Tân Thuận bị Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị san bằng nay được làm mới vẫn cứ sụt lở, cây trồng giữ cát ven đê không bén nổi rễ do cát đã bị hút cạn kiệt nước...

Ông Nguyễn Văn Niên, một ngư dân than vãn với tôi: "Con đê chắn gió, cát không thể hình thành nên trong vài năm, thậm chí vài chục năm mà ngàn năm, vạn năm theo quy luật bồi lấp của biển mới có được nó. Cây trồng trên cát cũng vậy, phải mất cả trăm năm, mà chỉ có cây phi lao mới sống nổi. Bây giờ cây bị chặt phá hết, mới một trận gió mùa đông bắc, cát đã lùa lên hơn 100 mét. Cứ cái đà này, nhà cửa cũng sẽ không còn".

Trong kết luận thanh tra do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Trị tiến hành đầu tháng 4/2004 cho thấy, các công ty khai khoáng đều vi phạm nghiêm trọng tại các bờ biển huyện Vĩnh Linh. Điều đáng buồn là trước những hậu quả nghiêm trọng này, chính quyền địa phương vẫn chưa nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Hiện tại, một số công ty khai khoáng ở đây vẫn có thể "qua mặt" các ngành chức năng để tiếp tục được khai thác.

Vùng cát bãi ngang của tỉnh Quảng Trị gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, tổng diện tích hơn 30.000ha, trong đó vùng cát ven biển chiếm 22.500 ha. Theo các chuyên gia Tài nguyên & Môi trường, hầu hết các vùng cát ven biển đều có titan. Sau Vĩnh Thái, Thủy Khê, "cơn lốc đen" sẽ tràn đến đâu(!?)

Phan Thanh Bình
.
.
.