“Khai quật”… xương lợn tai xanh

Thứ Sáu, 08/08/2008, 11:08
Hám lợi, một số kẻ đã đào hố chôn lợn tai xanh đã tiêu hủy để trộm xương đem bán.

Ngày 5/8, nhiều hộ dân ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam liên tục gọi chúng tôi phản ánh: Một số hố tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh tai xanh hồi năm 2007 đã bị những kẻ lạ mặt đào lên lấy xương. Chúng tôi về địa phương tìm hiểu vụ việc…

Khu nghĩa địa Trường An (thuộc thôn Trường An) xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, là nơi được chọn để đào hố tiêu hủy gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh chết. Đặt biệt xã này là trọng điểm dịch bệnh đối với các loại gia súc, gia cầm của huyện.

Ông Nguyễn Văn Quyền - cán bộ thú y xã cho biết, "riêng năm 2007, Bình Tú có hơn 200 con heo, bò bị chết vì nhiễm bệnh tai xanh và lở mồm long móng, tất cả đều được tiêu hủy tại khu nghĩa địa Trường An với tổng cộng 60 hố chôn. Nửa tháng trước đây, dịch tai xanh tái bùng phát, toàn xã có hơn 100 con heo bị nhiễm bệnh chết, lực lượng thú y và chính quyền địa phương cũng đào 5 hố tại khu vực này để tiêu hủy".

Theo người dân trong thôn cho biết: Chập choạng tối 4/8, nhiều người dân ở thôn Trường An phát hiện hai thanh niên lạ mặt đi trên một xe gắn máy, cầm theo 3 chiếc bao tải và một cái cuốc nhỏ ra khu vực nghĩa địa. Tuy nhiên, không ai nghĩ là họ đi khai quật những hố chôn súc vật chết.

Sáng 5/8, qua kiểm tra, ông Trương Đến - Thôn đội trưởng thôn Trường An phát hiện 2 hố chôn heo bị dịch tai xanh hồi năm 2007 bị đào bới tung toé. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, những kẻ lạ mặt đã dùng cuốc đào 2 hố chôn heo bệnh này với độ sâu hơn 1m, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi bu dày đặc, toàn bộ số xương và sọ heo chưa phân huỷ kịp đã "không cánh mà bay".

Vì sao hố chôn heo chết bị đào? Khoảng 1 tuần trở lại đây, trên tuyến quốc lộ 1 A qua địa phận xã Bình Phục và Bình Tú (huyện Thăng Bình) đã xuất hiện nhiều tấm bảng: "Mua xương với giá cao".

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại những nơi đặt bảng, người ta tổ chức thu mua xương trâu, heo, bò với giá bình quân 3.800 - 4.200 đồng/kg, bất kể xương mới hay đã cũ, còn dính thịt hay không dính thịt, miễn xương là được.

Ngay tại ngã ba Ngọc Khô (thuộc xã Bình Tú), cơ sở thu mua xương của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh cũng hoạt động cả ngày lẫn đêm. Xương chất từng đống cao như… núi, mùi hôi thối bốc lên kinh khủng, nhiều hộ dân sống xung quanh chịu không nổi.

Rõ ràng, khi có cầu thì ắt có cung. Những kẻ hám lợi đã mang cuốc đi đào các hố chôn heo chết ở nghĩa địa Trường An để lấy xương bán như chúng tôi vừa đề cập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Tùng - Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết: "Trước tình trạng trên, lãnh đạo xã đã lập tức cắt cử lực lượng Công an, thú y và xã đội thường xuyên có mặt (kể cả ban đêm) tại khu vực nghĩa địa Trường An để chặn đứng nạn đào hố tiêu hủy, trộm xương heo và các loại gia súc khác".

Dịch tai xanh và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc đang bùng phát mạnh, nếu không kịp thời ngăn chặn "làn sóng" trộm xương heo, bò, trâu đã tiêu hủy vì nhiễm bệnh đem bán thì hậu quả sẽ khôn lường.

Thiết nghĩ, ngành Thú y, chính quyền các địa phương và lực lượng Công an cần khẩn trương phối hợp, bám sát cơ sở, nhất là theo dõi chặt chẽ các điểm tiêu hủy gia súc để sớm phát hiện và xử lý mạnh tay những đối tượng vi phạm.

Nếu không, không chỉ Bình Tú mà tình trạng này sẽ còn xuất hiện ở những vùng "rốn" dịch gia súc trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới. Nguy hiểm hơn, mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, và có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh đến với con người!

Thy Ngân
.
.
.