Khai mạc trọng thể Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII

Thứ Ba, 28/12/2010, 10:42
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015" đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội sáng 27/12. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tới dự; đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; đồng chí  Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 1.500 đại biểu là những cá nhân, tập thể anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và các vùng, miền của Tổ quốc đã về dự Đại hội.

Lịch sử khẳng định vị trí, vai trò phong trào thi đua

Khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định, lịch sử cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra các phong trào thi đua yêu nước và cũng chính lịch sử đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những ưu khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp. Đại hội cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng khẳng định, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2010 tăng trưởng 6,7%, bình quân 5 năm 2006 - 2010 tăng trưởng khoảng 7%/năm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phong trào thi đua toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội

Tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 - 2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá kết quả phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, văn hóa, thể thao…

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm; phong trào thi đua "Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm". Ngành đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ, du lịch, phong trào thi đua đã có bước phát triển tạo động lực cho sự phát triển lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", cuộc vận động "hai không", phong trào "mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"… góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ về xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông. Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phong trào thi đua đã hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, ngoại giao, văn hóa, thể dục - thể thao đều có nhiều hình thức thi đua sôi nổi, đạt hiệu quả cao.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đoàn đại biểu Bộ Công an dự Đại hội. Ảnh: Hoàng Long

Trong lĩnh vực đảm bảo an ninh - trật tự, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Lực lượng CAND đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", gắn với phong trào "Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND" và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". 

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phấn đấu, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với khẩu hiệu "Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân", toàn lực lượng Công an đã tăng cường hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa và kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cùng với lực lượng Công an xã, bảo vệ tổ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, huy động mọi tiềm năng và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên một thế trận an ninh vững chắc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện các điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Nghệ An; Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội; liệt sĩ Trần Ngọc Lương, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã hy sinh anh dũng khi đấu tranh phòng chống tội phạm, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm… "Đó là những tấm gương đại diện cho hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân tiêu biểu cho sự mưu trí, dũng cảm, tận tụy với nhân dân, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân" - Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Tính trong 5 năm, lực lượng CAND và QĐND đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 105 tập thể và cá nhân Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động (thành tích thời kỳ đổi mới), 43 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 22 Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. "Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những thành tích, chiến công xuất sắc của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng QĐND và CAND đang ngày đêm kiên cường bám trụ, vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng kinh tế - quốc phòng vững mạnh".

Gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng hơn như: phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân và người lao động", phong trào "Nông dân thi đua sản xuất giỏi", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà", phong trào "Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc"…

Bên cạnh những thành tích xuất sắc đã đạt được, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý những hạn chế về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan. Việc phát hiện, biểu dương, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có mặt còn hạn chế. Phấn đấu khắc phục được những hạn chế, yếu kém, nhất định phong trào thi đua yêu nước sẽ có bước phát triển mới.

Tổng Bí thư lưu ý những vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới. Theo đó phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, nhằm tập hợp vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện, biến đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong thực tiễn, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Năm năm tới đây, phong trào thi đua yêu nước cần nhân rộng những mô hình, giải pháp hay đã được đúc kết tại đại hội này. Gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.     

Để phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ, chúng ta cần quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mỗi phong trào thi đua đã phát động cần phải tiến hành sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời có ý nghĩa rất to lớn. Thi đua trước hết không phải vì khen thưởng, nhưng làm tốt việc khen thưởng thì sẽ kích thích phong trào thi đua tốt hơn. Có thi đua tốt, hiệu quả thiết thực thì mới được khen thưởng. Có lựa chọn đúng những lá cờ đầu, những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời, chính xác thì khen thưởng mới có tác dụng. Bên cạnh đó, phải tập trung sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và toàn diện của các cấp ủy đảng.

Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 97 Huân chương Sao Vàng, 243 Huân chương Hồ Chí Minh, 5.740 Huân chương Độc lập, 268 Huân chương Quân công, 25.593 Huân chương Lao động, 456 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 178 Anh hùng Lao động, 61 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 2.711 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 159 Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ, nghệ nhân (nhân dân, ưu tú).

PVTS
.
.
.