Khách hàng cần được bảo vệ tài sản ảo

Thứ Tư, 15/03/2006, 20:25

Bảo vệ quyền lợi của những người chơi nói chung và quyền sở hữu những tài sản họ có được trong quá trình tham gia trò chơi ngay chính trong thế giới ảo là một yêu cầu chính đáng.

Quan điểm của Bộ Thương mại, theo Công văn số 0559/TM-PC, thì sản phẩm ảo trong online games (OG) là tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự thì: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản". Còn theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Dân sự thì: "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ". Trên thực tế, nhiều sản phẩm ảo trong OG (vũ khí, trang bị, bí kíp, tiền ảo…) hiện đang được định giá bằng tiền và những sản phẩm ảo trong OG cũng được người chơi mua đi bán lại bằng tiền, tức là có thể được chuyển giao.

Từ những cơ sở trên, theo quan điểm của Bộ Thương mại thì sản phẩm ảo trong OG là tài sản ở dạng quyền tài sản. Người có sản phẩm ảo sẽ có quyền sở hữu tài sản đó, bao gồm đầy đủ 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt các sản phẩm ảo mà mình tích lũy được trong quá trình chơi. Khi đăng ký một tài khoản để chơi, người chơi đã trả tiền cho nhà cung cấp dịch vụ để có một nhân vật và các món đồ đi kèm, tức là thực hiện quyền chiếm hữu với nhân vật đó. Trong quá trình chơi, người chơi điều khiển nhân vật theo ý mình, tức là có quyền sử dụng. Người chơi có thể cho, nhượng, tặng, bán nhân vật và các món đồ đó, tức là có quyền định đoạt.

Như vậy, sản phẩm ảo có được là do người chơi phải mua dịch vụ từ nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (bằng cách mua thẻ, mua giờ chơi…) và sau đó phải bỏ thời gian, trí tuệ, công sức và các chi phí liên quan để chơi và có được sản phẩm ảo. Do đó, có thể coi sản phẩm ảo có được do lao động hoặc kinh doanh hợp pháp và người chơi xác lập quyền sở hữu đối với sản phẩm ảo một cách hợp pháp.

Tuy nhiên, cũng về vấn đề này, Bộ Tư pháp lại có quan điểm khác. Cũng dẫn chứng từ Điều 163 Bộ luật Dân sự nhưng theo Bộ Tư pháp thì khái niệm "vật" được quy định  bao gồm cả vật hình thành trong tương lai. Tài sản ảo không phải là tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, tài sản ảo, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, chỉ là một trong những yếu tố cấu thành của OG.

Trung lập giữa 2 ý kiến trên, Bộ Văn hóa - Thông tin cho rằng, việc công nhận tài sản ảo, với việc đưa vấn đề bảo hộ tài sản ảo vào một văn bản quy phạm pháp luật là 2 vấn đề khác nhau. Trong thời điểm hiện nay, việc đưa ra một quy định cụ thể về bảo hộ tài sản ảo trong OG là chưa hợp lý.

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, thì mỗi một trò chơi, dù có là OG thì cũng đều có thời hạn tồn tại của nó. Nếu trò chơi, vì một lý do nào đó kết thúc, thì tất cả những gì liên quan đến nó, trong đó bao gồm cả tài sản ảo, cũng sẽ kết thúc. Như vậy, đặt ra vấn đề bảo hộ một yếu tố không có tính bền vững như thế bằng pháp luật là không thiết thực.

Quan điểm của ông Đỗ Quý Doãn cho rằng đã là trò chơi thì không cấm. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng về mặt xã hội của OG hiện nay là rất lớn, có liên quan đến cách sống, lề lối cư xử của một số không ít người chơi, nên quản lý OG cũng như những yếu tố liên quan, trong đó có tài sản ảo của người chơi là việc làm cần thiết.

Vậy thì ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho người chơi một khi họ tham gia vào thế giới ảo?

Trong OG, một món đồ ảo do người chơi vì một lý do nào đó mà có, do may mắn chẳng hạn, lại có thể bán được tiền, thậm chí rất nhiều tiền, với mức giá thỏa thuận giữa những người chơi với nhau. Đó chính là đổi cái không có thật lấy cái có thật.

Xét về khía cạnh nào đó, tài sản ảo trong OG có tính chất may rủi, và việc mua đi bán lại các loại tài sản ảo bằng tiền thật trên thực tế là một hình thức lạm dụng OG. Thế nhưng cần phải khẳng định rõ lại rằng không phải người chơi nào tham gia OG cũng mang một mục đích kiếm tiền như đánh bạc. Đối với rất nhiều người thì OG đơn thuần chỉ mang chức năng giải trí. Người chơi cần có nhà cung cấp trò chơi để thoả mãn nhu cầu giải trí của họ. Nhà cung cấp cũng cần phải có người chơi để tồn tại. Và vì thế, yêu cầu bảo vệ quyền lợi của những người chơi nói chung và quyền sở hữu những tài sản họ có được trong quá trình tham gia trò chơi ngay chính trong thế giới ảo ấy sao cho công bằng giữa các người chơi với nhau lại là một yêu cầu chính đáng

P.V.
.
.
.