Khắc khoải đợi chờ tại Bệnh viện Nhân Ái

Thứ Sáu, 11/01/2008, 08:28
Khi gặp vướng mắc, khó khăn cần chỉ đạo, lãnh đạo BV Nhân Ái thường phải làm việc gián tiếp qua điện thoại hoặc phải về thành phố để Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp. Do vậy, không chỉ việc điều trị cho bệnh nhân mà điều cơ bản nhất hiện nay là việc hoàn thành các công trình hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng tại đây vẫn… dang dở.

Từ một trung tâm chữa bệnh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi được bàn giao cho Sở Y tế, ngày 31/10/2006, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập Bệnh viện (BV) Nhân Ái.

Theo Quyết định số 123/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh thì kể từ ngày 8/10/2007, BV này có thể bắt đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối từ tất cả các trung tâm trường trại trong TP cũng như địa bàn Đắk Lắk, Bình Phước.

Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, nơi được coi là "vùng trọng điểm" này vẫn chưa có một bệnh nhân mới nào được tiếp nhận theo quyết định trên. Vậy đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này?

Công việc của những nhân viên y tế ở nơi "trọng điểm"

Trò chuyện với bác sỹ Văn Long, người đã có thâm niên làm việc tại Trung tâm Đức Hạnh - Bình Phước 5 năm và Nhân Ái 1 năm nay cho biết: Trong năm 2007 trong 61 trường hợp AIDS kèm tâm thần tại Nhân Ái thì 3 trường hợp diễn biến tâm thần rất nặng buộc phải chuyển xuống BV Tâm thần TP chữa trị.

Do vậy trong 174 CBCNV đang làm việc tại đây có khá nhiều điều dưỡng viên, y tá tuổi còn trẻ nhưng hết 2/3 là khó có điều kiện lập gia đình do công việc quá khắc nghiệt.

Theo bác sĩ Long, làm việc tại Nhân Ái ngoài trách nhiệm và áp lực còn phải có cái tâm với bệnh nhân. Sự tự nguyện và hy sinh khi phải phục vụ những đối tượng phức tạp, nhiều thành phần và tâm sinh lý không bình thường. Do đó với lượng bệnh nhân sắp tới từ các trường trại đổ về thì việc thu hút nguồn nhân lực về đây có đủ tố chất như trên quả thực là bài toán nan giải.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

BV Nhân Ái cách thành phố hơn hai trăm cây số trên địa phận huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Do vậy khó khăn đầu tiên phải kể tới chính là khoảng cách của BV vùng sâu, vùng xa.

Do đó khi gặp vướng mắc, khó khăn khi cần chỉ đạo, lãnh đạo BV thường phải làm việc gián tiếp qua điện thoại hoặc phải về thành phố để Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp. Do vậy, không chỉ việc điều trị cho bệnh nhân mà điều cơ bản nhất hiện nay là việc hoàn thành các công trình hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng tại đây vẫn… dang dở.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long - quyền Giám đốc bệnh viện trăn trở: BV có thể tiếp nhận 150 bệnh nhân nội trú, nhưng những hạng mục tối thiểu cho một BV vẫn chưa hoàn thành: chưa có hệ thống nước đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh phục vụ điều trị, sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác y tế, nhà phơi, hệ thống điện dự phòng…

Đặc biệt, do đặc thù chức năng chuyên môn, BV đang rất cần nhà lạnh bảo quản tử thi và lò thiêu. Nhưng những hạng mục công trình trên do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư từ năm 2002 đến nay vẫn còn ì ạch chưa xong giai đoạn 2.

Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND TP và Giám đốc Sở Y tế, Nhân Ái có nhiệm vụ tiếp nhận học viên nhiễm AIDS giai đoạn cuối từ các trường trại, trung tâm cai nghiện, cơ sở chữa bệnh và kể cả những trung tâm tham vấn cộng đồng đóng trên địa bàn Đắk Lắk, Bình Phước và toàn bộ địa bàn TP Hồ Chí Minh. Một nhu cầu rất lớn của bệnh nhân.

Để có thể tiếp nhận bệnh nhân từ các Trung tâm 05 - 06 vào những ngày đầu tháng 1/2008 (văn bản mới nhất theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế TP), Sở Y tế cần sớm có cuộc họp liên ngành nhằm giải quyết những khó khăn về đầu tư hạng mục do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  thầu nhận.

Đây không chỉ là nỗi lo của lãnh đạo Sở Y tế mà còn là sự khát khao, chờ đợi của toàn thể CBCNV bệnh viện, của 174 con người đã tình nguyện và gắn bó nơi đây

H.Nga
.
.
.