Kết thúc phiên tòa “cha nạn nhân kêu oan cho bị cáo” 6 năm liền

Thứ Ba, 12/11/2013, 10:18
Ngày 11/11, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo và cả gia đình bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm tuyên Thiệu Minh Hùng (31 tuổi, ngụ Đồng Tháp) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Vụ án gây sự chú ý của dư luận khi nhiều năm nay gia đình bị hại một mực kêu oan cho bị cáo.

Theo nội dung vụ án, đêm 12/9/2007, Nông Thành Thông (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) điều khiển xe gắn máy trên quốc lộ 30 (hướng Hồng Ngự đi TP Cao Lãnh). Khi xe ông Thông điều khiển đến địa phận ấp Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình thì cùng lúc này Thiệu Minh Hùng từ trong quán nhậu gần đó chạy ra, chở theo Lê Minh Duy (30 tuổi, ngụ cùng địa phương) ngồi sau thì gây tai nạn. Theo lời Hùng thì xe Hùng bị xe ông Thông đụng vào hông trái xe, làm chết anh Duy. Riêng Hùng và ông Thông cũng bị thương nặng.

Quá trình điều tra, Hùng không thừa nhận chạy lấn đường sang trái đụng vào xe của ông Thông mà do ông Thông điều khiển xe lấn trái qua dải phân cách đụng vào xe Hùng gây tai nạn. Trong khi đó, ông Thông khai, vào đêm xảy ra tai nạn ông điều khiển xe đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình làm việc. Khi đến khu vực trên thì ông phát hiện phía trước có 1 xe môtô chạy ngược chiều, lấn trái. Do trời tối, đường ướt không kịp né nên xe ngược chiều đụng vào xe ông Thông gây tai nạn.

Dựa vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của Hùng, Thông và các nhân chứng khác, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã truy tố Hùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Bị cáo Hùng tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 mở vào tháng 8 và 12/2011, ông Lê Văn Hoàng, cha của nạn nhân Duy cho rằng trong vụ án này ông Nông Thành Thông mới là người có lỗi, điều khiển xe lấn đường gây tai nạn cho con ông. 4 trong số 8 nhân chứng trong vụ án này khẳng định, hiện trường vụ án đã bị ai đó di chuyển, vị trí 2 xe môtô của Thông và Hùng đã bị thay đổi không đúng với hiện trường ban đầu. Vì vậy, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Hùng phạm tội đã bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án để điều tra xét xử lại từ đầu.

Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, CQĐT xác định điểm va chạm nằm trên phần đường ông Thông lưu thông và vị trí 2 xe môtô ngã tại hiện trường không bị ai dịch chuyển. Vì vậy, kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 13/9/2007 và kết quả thực nghiệm dựng lại hiện trường 1/7/2010 là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với các vết cày của 2 xe để lại tại hiện trường. Điều đó chứng tỏ bị cáo Hùng đã điều khiển phương tiện lấn đường dẫn đến tai nạn.

Dựa vào kết quả điều tra này, xử sơ thẩm lần 2 TAND tỉnh Đồng Tháp cho rằng đủ căn cứ để kết luận bị cáo Hùng phạm tội và tuyên bị cáo mức án trên

H. Anh
.
.
.