Kẻ hành hạ, ngược đãi phải đền tội

Thứ Ba, 15/01/2008, 08:26
Chiếc xe đặc chủng của Công an Quảng Bình xuất hiện trước nhà vợ chồng ông Trần Văn Thừa, nơi Trần Chí Hiếu có hộ khẩu thường trú. Hiếu cúi gằm mặt khi nghe Công an đọc lệnh khởi tố, bắt giam về tội ngược đãi bà nội của mình là mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài. Bên ngoài, hàng trăm người dân đang chờ đợi giây phút đứa cháu nội bất hiếu tra tay vào còng.

>> Hành vi ngược đãi mẹ Nài không thể dung thứ/ Cái chết của mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài: Trách nhiệm của chính quyền

Trong lúc mọi người đang đưa tiễn mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài về nơi an nghỉ cuối cùng, thì điện thoại của tôi đổ chuông và đầu dây là một số máy lạ: "Anh lên ngay đi, nhiều người nói có một mẹ liệt sĩ chết do bị hành hung".

Để lại địa chỉ nơi vụ việc xảy ra, rồi người gọi điện cho tôi tắt và khóa máy. Phân vân, nhưng cuối cùng tôi quyết định đến nơi mẹ Nài sinh sống. Và loạt bài điều tra về cái chết của mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài được đăng tải. Trần Chí Hiếu cùng vợ và ba mẹ mình, những người đã ngược đãi, hành hung mẹ Nài sẽ phải trả giá cho những hành động "thương luân bại lý" do mình gây ra.

Phải chờ đợi đến 19h15' ngày 13/1, Công an Quảng Bình mới đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Văn Hiếu (tên gọi khác Trần Chí Hiếu) về tội ngược đãi bà nội của mình là mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài; nhưng từ trưa 13/1, hằng trăm người dân thôn Đức Sơn và thôn Giao Tế, xã Đức Ninh đã ngồi đầy trong các quán nước gần nhà ông Trần Văn Thừa để chờ đợi giây phút đứa cháu nội bất hiếu tra tay vào còng.

Biết được cơ quan pháp luật bước đầu mới bắt giữ Trần Chí Hiếu, còn Lê Thị Hồng Hiền (vợ Hiếu) và bà Tầm (mẹ Hiếu) chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến đời sống và cái chết của mẹ Nài, một số người dân địa phương tỏ ra không đồng tình.

Theo dư luận địa phương, sở dĩ ông Trần Văn Thừa không chăm sóc được mẹ mình để đáp đền công dưỡng dục cũng chính vì bà Tầm. Ngoài việc ngày thường coi mẹ Nài chẳng ra gì, khi mẹ Nài được đưa vào viện để băng nẹp chiếc chân bị gãy, chính bà Tầm đã dùng kéo cắt đứt bông băng của mẹ trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh viện.

Khi bác sĩ lên tiếng, bà Tầm đã thách thức bằng cách ghi vào bệnh án của mẹ Nài là bà sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sau khi Báo CAND đăng tải bài điều tra đầu tiên về cái chết của mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài, nhiều người dân ở Quảng Bình đã phô tô bài báo để chuyền tay nhau đọc. Ai cũng rùng mình trước những hành vi coi thường đạo lý của cha con ông Thừa đối với mẹ, bà của mình là mẹ Đặng Thị Nài.

Trong quá trình thu thập chứng cứ cho loạt bài điều tra, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhiều cán bộ và người dân Đức Ninh. Điều này chứng tỏ cái ác luôn bị xã hội lên án và cần loại bỏ khỏi cuộc sống.

Đức Ninh, trời nhá nhem tối, song hàng trăm người dân vẫn nán lại chờ đợi sự xuất hiện của cơ quan chức năng đến thực thi một hành động hướng đến cái cao cả, nhân văn.

Chiếc xe đặc chủng của Công an Quảng Bình xuất hiện trước nhà vợ chồng ông Trần Văn Thừa, nơi Trần Chí Hiếu có hộ khẩu thường trú. Một người dân kêu lên: "Mệ Nài chết giờ mới có thể nhắm mắt được rồi". Một người khác lên tiếng: "Ông trời có mắt".

Trần Văn Hiếu cúi gằm mặt nghe Công an đọc lệnh khởi tố, bắt giam. Gương mặt Hiếu không tỏ ra khác mấy với bản tính côn đồ của những ngày thường. Chỉ có điều, chắc Hiếu biết hàng trăm con mắt đang nhìn mình và biết đâu hình bóng người bà nội đáng thương của Hiếu lại hiện về đúng giây phút pháp luật thức tỉnh nhân tâm cho Hiếu.

Hiếu đứng nghe lệnh bắt giam, song vợ chồng bà Tầm không khóc, Hiền - vợ Hiếu vẫn tỉnh bơ, chắc họ biết: Pháp luật không bao giờ đưa đến tai bay vạ gió cho họ nếu họ luôn sống bằng một trái tim nhân văn.

Điều mà chúng tôi cảm thấy thiếu sót với độc giả là khi Hiếu tra tay vào còng, chúng tôi không thể ghi lại được một tấm hình, bởi cơ quan điều tra cấm hẳn các phóng viên mang máy ảnh vào địa điểm khởi tố.

Được biết ngay trong đêm, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy lời khai của Hiếu. Khi bài điều tra đầu tiên đăng tải, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã liên tiếp có 2 công văn chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc làm rõ cái chết của mẹ Đặng Thị Nài.

Sự nhanh nhạy cần thiết của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự đồng thuận của dư luận bạn đọc đã thực sự tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong loạt bài tiếp đó. Giờ đây, khi những kẻ hành hạ, ngược đãi mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài chắc chắn sẽ phải đền tội, thì niềm tin: ánh sáng không thể ở cuối đường hầm lại thắp lên trong tôi sáng hơn bao giờ hết

Dương Sông Lam
.
.
.