Internet với trẻ vị thành niên: Gia đình phải lo trước

Chủ Nhật, 09/03/2008, 16:30
Ngày nay với sự bùng nổ của Internet, nhiều gia đình trang bị cho con cái máy tính cá nhân và đường truyền mạng tốc độ cao là rất phổ biến. Khi đưa Internet vào gia đình, cha mẹ nên nhận thấy rằng trách nhiệm của họ là phải bảo vệ con cái trước các nội dung không thích hợp trên mạng và khuyến khích chúng sử dụng mạng như là một công cụ để nghiên cứu học tập cũng như phải quản lý thời gian.

Không ít phụ huynh buông lỏng quản lý vì nghĩ đơn giản rằng máy tính chỉ là một phương tiện, một công cụ học tập hữu ích giúp đỡ con cái để học hành, tra cứu thông tin từ Internet, giải trí.

Trong khi đó, cũng có nhiều bậc phụ huynh lại luôn phải phân vân có nên cho trẻ tiếp xúc với Internet hay không, vì Internet là một kho tàng kiến thức vô tận nhưng cũng có rất nhiều mối nguy hiểm sẽ tác động không nhỏ lên lứa tuổi học trò khi duyệt web, tán gẫu hay chơi các trò chơi điện tử với cộng đồng người sử dụng mạng.

Ngoài những mặt tích cực thì có thể thấy rõ lứa tuổi này còn thường xuyên đối mặt với những vấn đề tiêu cực khác trên Internet như phải tiếp xúc với rất nhiều quảng cáo, các hoạt động thương mại, ngôn ngữ không thích hợp, các thông tin nội dung xấu cũng như dành quá nhiều thời gian trên mạng Internet khiến các em ngày một xa lánh các hoạt động dành cho học tập, gia đình.

Còn một vấn đề nữa rất đáng phải lưu tâm là tình trạng phạm tội của thanh, thiếu niên hoặc vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm liên quan đến mạng Internet đang tăng vọt trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu, được biết một thông tin rất đáng lưu ý rằng các em ở lứa tuổi thanh, thiếu niên thường rất dễ dàng đi gặp gỡ những kẻ xa lạ mới quen trên mạng Internet, đặc biệt là các em gái. Chính điều này là một trong những nguy cơ rất cao vô tình đẩy các em trở thành nạn nhân của nhiều vụ việc đáng tiếc hoặc đến bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Trong những tháng cuối năm 2007, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng điều tra, bắt giữ 2 ổ nhóm chuyên sử dụng trò chơi trực tuyến, các phần mềm tán gẫu trên mạng Internet để lừa đảo các em gái ở tuổi chưa thành niên, cưỡng bức rồi bán ra nước ngoài.

Một trong số những nạn nhân bị 2 ổ nhóm này lừa bán đã được giải thoát trở về cùng gia đình kể lại: "Em quen với 2 anh ấy qua chơi Boom được 1 tuần thì các anh ấy rủ đi chơi game. Các anh ấy rủ đi Bắc Giang, lúc đấy đi đã 2 ngày rồi em muốn về thì các anh ấy lại rủ đi Lạng Sơn, bảo là đi cho vui. Lên Lạng Sơn lại hỏi em đi Trung Quốc bao giờ chưa? Khi đưa em sang Trung Quốc thì anh Giang nói là gọi cô ra đón, nhưng rồi cô anh ấy bán em luôn...".

Thực tế, nạn nhân này đã bị các đối tượng buôn bán người giữ tại Trung Quốc 21 ngày và chuẩn bị bị đưa đến một nhà nghỉ ép làm gái mại dâm, may mà em gái này tình cờ nhờ được điện thoại gọi về Việt Nam cho gia đình và được lực lượng Công an giải thoát. Trong số những đối tượng đã bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Hà Nội bắt giữ, có một đối tượng 20 tuổi và một mới chỉ 17 tuổi.

Trước khi bị bắt giữ, chúng đã thực hiện 5 vụ lừa đảo, bán bạn gái sang Trung Quốc với mức giá theo khai nhận ban đầu từ 7-10 triệu đồng/người. Mục tiêu chính của chúng là những em gái từ 14-16 tuổi, ngoan nhưng ham chat và ham chơi game. Đây có thể nói là một vụ án khá đặc trưng của loại tội phạm mạng.

Một cán bộ Đội Chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ và trẻ em, Công an Hà Nội cho biết: "Qua tiếp xúc với những nạn nhân, có thể thấy đều là những trường hợp gia đình thiếu sự quan tâm. Các em lại đang trong tuổi chuẩn bị thành niên nên những đối tượng lừa đảo đưa đi chơi, thể hiện sự quan tâm lại tưởng chúng quan tâm đến mình thật nên dễ dàng làm theo những yêu cầu của kẻ xấu...".

Chúng ta, những bậc phụ huynh thường nói nhiều tới tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhu cầu nối mạng toàn cầu để hội nhập và phát triển, thậm chí coi việc giới trẻ ngày càng quan tâm và sử dụng Internet nhiều là một biểu hiện của sự nâng cao trình độ tin học và phát triển giáo dục. Internet là kho tàng kiến thức rộng lớn. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết thời gian truy cập Internet của thanh, thiếu niên cũng như sinh viên, học sinh đều là chat, trò chơi trực tuyến, xem phim, nghe nhạc hay thậm chí là xem những trang web không lành mạnh và chỉ có một số ít biết cách khai thác tài nguyên Internet hợp lý. Điều này chứng tỏ hình như chúng ta đang "quá tin tưởng" hay đúng hơn là phó mặc cho khả năng tự tìm tòi của thanh, thiếu niên.

Một gia đình tôi quen biết thời gian gần đây phát hiện những biểu hiện kỳ lạ của cậu con trai học lớp 10, ngoài những biểu lộ tiêu cực với cuộc sống và thường xuyên tự nhốt mình trong phòng với chiếc máy tính, cách xin tiền hoặc tự ý lấy không xin phép tăng vọt.

Do một phần thương con nên bắt buộc cha mẹ phải vượt qua cái ngưỡng tôn trọng riêng tư của con trai nên tự tìm hiểu và nhờ một chuyên gia tin học cài đặt phần mềm kiểm soát thông tin, thời gian trên chiếc máy tính cá nhân.

Hóa ra những buổi đêm thay vì đi ngủ là cậu ta lại vùi đầu vào trò chơi điện tử trực tuyến đến khuya, để tô vẽ trang nhật ký cá nhân trên mạng, chưa kể còn vô số các trang web nội dung đồi trụy được phép truy cập sâu do cậu ta bỏ tiền ra mua thẻ thành viên. Trong quãng thời gian dài đó cậu ta đã làm quen, gặp gỡ với một số đối tượng xấu trên mạng và vô tình tiết lộ những thông tin cá nhân về gia đình, trường học.

Và tiếp theo chính những "đại ca" trên mạng bắt đầu chiến dịch đe dọa, tống tiền và thường xuyên xuất hiện đón lõng tại cổng trường học để bắt cống nạp tiền mặt để mua các loại thẻ sex member, tiền ảo chơi điện tử trên mạng. Thay vào đó, cậu ta cũng trở thành một em út cưng được “đại ca” nâng đỡ và ảo tưởng bởi những giá trị cao siêu trong thế giới ảo.

Sự việc chỉ kết thúc sau một trận đòn bầm dập vì cậu ta không cống nạp đủ tiền cho các đòi hỏi quá quắt tăng dần của những người "anh em" chỉ hơn cậu vài tuổi, nhưng sau đó cũng không dám nói lại với cha mẹ mà lấp liếm tiếp tục nói dối.

Đến lúc đó nhờ những thông tin đã biết trước phần nào nên gia đình đành phải vào cuộc, cha mẹ cậu dọa sẽ báo cơ quan chức năng đồng thời có những kiểm soát gắt gao thì những kẻ xấu mới chịu buông tha cho cậu quý tử.

Bên cạnh những mối quan hệ gia đình và bạn bè tại trường học, phần lớn trẻ chưa thành niên dành một khoảng thời gian không nhỏ trong ngày cho các trò giải trí trên Internet. Song hành với những điều bổ ích thì cũng không ít câu chuyện buồn đã xảy ra.

Đáng buồn là khi có chuyện xảy ra, không ít người lớn đã dễ dãi đổ trách nhiệm cho chính bạn bè, những đứa trẻ xung quanh và đổ lỗi cho chính những em bé là nạn nhân. Vẫn chưa có nhiều người tự hỏi mình đã giáo dục con em thế nào và làm được gì để giúp các em có nhận thức tốt hơn và biết cảnh giác với mối nguy hiểm từ những người bạn trên Internet.

Khi đưa Internet vào gia đình, cha mẹ nên nhận thấy rằng trách nhiệm của họ là phải bảo vệ con cái trước các nội dung không thích hợp trên mạng và khuyến khích chúng sử dụng mạng như là một công cụ để nghiên cứu học tập cũng như phải quản lý thời gian.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ quản lý máy tính Internet cho trẻ vị thành niên, nếu như điều đó vượt ngoài khả năng hiểu biết xin hãy đừng ngần ngại nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia máy tính. Tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của con cái không có nghĩa là nằm ngoài sự che chở của cha mẹ

M.T.
.
.
.