Huyện Thường Tín (Hà Nội): Người dân cướp gà tiêu hủy về ăn

Thứ Sáu, 06/02/2009, 09:30
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, 4h sáng 5/2, chốt kiểm dịch liên ngành tại Ba La (TP Hà Đông) đã phát hiện và bắt giữ 1 xe ôtô mang biển kiểm soát 34L-7612 vận chuyển gia cầm không có giấy kiểm dịch. Trên xe có 1.500 con gà thịt, trọng lượng khoảng 3 tấn, giấy kiểm dịch đã bị chữa ngày tháng. Vì vậy, lực lượng liên ngành đã quyết định tiêu hủy.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: "Giấy kiểm dịch bị chữa ngày tháng chứng tỏ số gia cầm được vận chuyển trên xe có vấn đề. Vì vậy, chúng tôi đã quyết  định tiêu hủy theo Pháp lệnh Thú y, đặc biệt theo QĐ 51 vừa ban hành của UBND TP Hà Nội".

Chiều 5/2, toàn bộ số gia cầm bị bắt giữ trên đã được chở đến bãi cát xã Hồng Vân (Thường Tín) để tổ chức tiêu hủy. Tuy nhiên, tại đây, khi lực lượng chuyên ngành bắt đầu đưa gà xuống hố để chôn theo quy định thì một số người dân địa phương đã đổ xô vào cướp gà để mang về ăn.

Người dân đổ xô cướp gà tiêu hủy.

Do lực lượng chức năng quá ít (10 người bao gồm nhân viên thú y, quản lý thị trường và dân quân xã) nên không thể ngăn cản dân lấy gà. Nhiều người đã nhảy cả xuống hố chôn lấp để lấy gà cho vào bao tải mang về. Thậm chí, xe chở gà tiêu hủy cũng bị… vây và một số đối tượng đã trèo lên xe, tự ý lái xe ra giữa bãi cát để  "cướp" gà. Vì vậy, khi người dân bỏ về, lực lượng chức năng chỉ gom gà bị rơi vương vãi và tiêu hủy với số lượng chưa đến 20% so với ban đầu.

Hành động đáng phê phán này của một số người dân địa phương cho thấy, ý thức về phòng chống dịch cúm gia cầm của một bộ phận người dân còn thấp.

Theo ông Vui, công tác thú y là hoạt động mang tính xã hội, vì vậy, muốn làm được phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là người dân tự giác khi thấy gia cầm ốm, chết không nên sử dụng.

"Khó có thể khẳng định được những con gà đó không mang bệnh, và gieo rắc mầm bệnh cho người hay gia súc, gia cầm trong vùng nếu ăn phải", ông Vui nói.

Từ sự việc đáng lên án trên, thiết nghĩ, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang bệnh rất cần sự vào cuộc của chính quyền sở tại để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật

Chi Linh
.
.
.