Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Chung tay giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Hai, 30/06/2014, 15:21
Đan Phượng trong những năm qua là một trong những đơn vị đi đầu trong việc giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trung tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, thời gian qua, Đan Phượng có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn giáp ranh với 5 huyện phía Tây của TP Hà Nội nên tình hình an ninh trật tự của huyện có chiều hướng diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm xảy ra có tính chất nghiêm trọng như cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, toàn huyện có 934 đối tượng tù tha, 361 đối tượng nghiện hút ma túy...

Với những người lầm lỡ, họ luôn tự ti về mình, tìm việc làm rất khó khăn, mặc cảm và cám dỗ luôn theo chân họ khi trở lại cuộc sống đời thường, vì vậy, Công an Đan Phượng và các cấp chính quyền đã phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng của Hội luật gia Việt Nam tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; giới thiệu việc làm, hỗ trợ kinh phí cho người chấp hành xong án tù học nghề; tổ chức cho người chấp hành xong án phạt tù giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với người chấp hành án phạt tù của Tổ chức phi chính phủ X-CONs Stockholm Thụy Điển… giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để người chấp hành xong án phạt tù tiến bộ; tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân xóa bỏ cái nhìn kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết: “Hội Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã phân công hội viên, người thân quan tâm, giúp đỡ, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người sau khi cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhất là nhu cầu vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Kết quả nhiều thôn trên địa bàn xã tình hình tệ nạn xã hội giảm, không có người tái nghiện”

L.Hiệp- Duy Thanh
.
.
.