Hủy hoại tài sản để giải quyết mâu thuẫn

Thứ Ba, 20/04/2010, 14:00
Nhiều lúc ở gần nhà nhau song không thể "mua láng giềng gần"; hoặc không đồng thuận trong làm ăn; có khi chỉ tức nhau câu nói trong đám cưới, đám giỗ; hay lời qua tiếng lại trong bữa rượu quê… Nhiều đối tượng đã đốt nhà, phá quán, phá hoại hoa màu, cây công nghiệp… của người cùng làng, cùng xóm.

Tài sản bị phá hoại là cả đời người nông dân cật lực tích cóp bằng mồ hôi nước mắt của mình. Còn đối tượng phá hoại lại không nghĩ mình đang phạm tội, chỉ phá cho hả cơn giận. Hủy hoại tài sản - một hiện tượng đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp không chỉ ở vùng nông thôn Quảng Bình.

Phá cho hả cơn giận

Sáng 12/4, vợ chồng anh Phan Thanh Văn, 39 tuổi và chị Hoàng Thị Hà thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình xách cuốc lên vườn cao su nhà mình để làm cỏ. Cả hai vợ chồng choáng váng khi trông thấy vườn cao su trồng đã 4 năm tuổi của gia đình bị kẻ gian chặt phá tan hoang. Vườn cao su là mồ hôi và nước mắt của hai vợ chồng cộng lại, cao su lại đang được giá nên chị Hà đau thắt lòng. Chị chỉ biết cầm từng cành cao su đang chảy nhựa non rồi khóc. Nhìn vườn cao su rồi nhìn đôi vợ chồng nông dân chân lấm tay bùn, các điều tra viên cảm thấy xót xa.

Suốt ngày rồi đêm 12/4, các trinh sát Công an huyện lần theo các dấu vết kẻ phá hoại vườn cao su. Sau 24 tiếng đồng hồ, thủ phạm đã được điểm mặt không ai khác mà chính là cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hà, 28 tuổi, trú cùng thôn với gia đình anh Văn.

Theo lời khai của Hà, khoảng 20h30' ngày 11/4, Hà đã dùng rựa chặt phá nát vườn cây cao su của gia đình anh Văn (308 cây) để hả giận, vì trước đó Hà làm cát xây dựng cho anh Văn, anh trả tiền công chưa đủ. Theo ước tính, thiệt hại tài sản mà Hà gây ra lên tới 150 triệu đồng. Ngày 16/4, cơ quan chức năng của huyện vừa ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu Hà.

Không lâu trước vụ Nguyễn Thị Thu Hà chặt phá cao su của anh Phan Thanh Văn, 2 đối tượng Mai Văn Bình và Nguyễn Hữu Trường cũng đã dùng rựa chặt phá vườn cao su của ông Lê Thanh Khuyến, Chủ tịch xã Phú Định, huyện Bố Trạch gây thiệt hại cả trăm triệu đồng. Bình và Trường chặt phá cao su chỉ vì tức Chủ tịch xã đã cho người bắt giữ gỗ lậu mà chúng vận chuyển…

Có những vụ khi tiến hành lập biên bản đối tượng phạm tội, các điều tra viên còn bất ngờ trước hành vi của đối tượng. Trường hợp Trần Ngọc Sỹ (38 tuổi), trú Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình là một ví dụ: Sau khi "chén chú chén anh" với đám trai làng, Sỹ về nhà gây gổ với anh trai mình, sau đó Sỹ cầm cuốc đập phá, hủy hoại tài sản của 15 hộ gia đình cùng xóm và làm 3 người bị thương, trong đó có cả Trưởng Công an xã.

Cần nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể

Ngồi trước mặt các điều tra viên, Nguyễn Thị Thu Hà đã khóc. Không ai khác, chính Hà đã tự trói tay mình và đến vòng lao lý. Chỉ vì bữa rượu không làm chủ bản thân mình, Trần Ngọc Sỹ đã phạm vào 3 tội: Cố ý gây thương tích; Hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản; Chống người thi hành công vụ.

Trong quá trình đi tìm hiểu viết bài này, chúng tôi nhận thấy: Những vụ hủy hoại tài sản ở vùng nông thôn chỉ hạn chế và chấm dứt khi các tổ chức, đoàn thể ở địa phương như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Nông dân… thường xuyên quan tâm đến đời sống người nông dân, tổ chức sinh hoạt định kỳ, phổ biến giáo dục kiến thức xã hội, pháp luật đến từng người. Nơi nào tổ chức, đoàn thể làm tốt vai trò của mình thì ở đó không xảy ra các vụ hủy hoại tài sản của nhau giữa những người nông dân.

Việc một số người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật đã phạm vào tội hủy hoại tài sản đang xảy ra theo chiều hướng phức tạp không chỉ ở vùng nông thôn Quảng Bình, vì vậy thiết nghĩ, việc phổ biến pháp luật đến các vùng quê cần được các ban, ngành liên quan chú trọng để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra

Dương Sông Lam
.
.
.