Hướng dẫn chậm, Việt kiều khó mua nhà

Thứ Năm, 11/01/2007, 13:59

Theo một số Việt kiều, giá nhà trong nước hiện còn cao. Nhiều người muốn mua ở những quận, huyện ven để có căn nhà rộng rãi và yên tĩnh hơn thì lại sợ quy hoạch, giải tỏa. Thủ tục pháp lý về sang tên chủ sở hữu kéo dài cũng gây tâm lý bất an, lo lắng.

Chính sách cho phép Việt kiều sở hữu nhà, đất đã được đề cập trong Luật Đất đai năm 1993, Pháp lệnh ngày 14/10/1994 và hướng dẫn tại Nghị định 60/CP. Theo đó, nhóm đối tượng Việt kiều theo quy định được Nhà nước cho thuê đất và được sở hữu tài sản trên đất.

Tuy nhiên, trên thực tế vào những năm ấy, hầu như Việt kiều khó có thể mua được nhà "chính danh" theo quy định mà chủ yếu chỉ mua "chui" bằng tên của người thân, bởi điều kiện Việt kiều phải đăng ký thường trú trong nước.

Sau khi Luật Đất đai sửa đổi năm 2001, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 81, trong đó quy định cụ thể đối tượng Việt kiều được mua nhà là những người đầu tư lâu dài trong nước; các nhà khoa học và người có nhu cầu về Việt Nam sinh sống ổn định. Thế nhưng, sau 3 năm thực hiện Nghị định 81 thì lượng Việt kiều mua được nhà chính thức trên cả nước mới chỉ đạt con số 60, trong đó có 45 căn tại TP Hồ Chí Minh.

Ước tính, hiện có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển. Lượng Việt kiều về quê đón Tết Đinh Hợi trên cả nước năm nay dự kiến sẽ lên đến 140 ngàn người, tăng 40% so với Tết Bính Tuất, đã phần nào cho thấy tấm lòng của bà con luôn hướng về Tổ quốc. Trong số đó có không ít người mong muốn được trở về sinh sống hẳn ở quê hương, mà tâm lý của người Việt Nam là "an cư lạc nghiệp".

Đẩy mạnh thực hiện chính sách bán nhà cho đối tượng Việt kiều cũng đồng nghĩa với việc thu hút vốn, chất xám, công nghệ tiên tiến của bà con mang về từ nước ngoài và làm "cầu nối" tìm kiếm đối tác, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho hàng hoá trong nước.

Tính đến tháng 7/2006 mới có 71 trường hợp Việt kiều mua được nhà đăng bộ tại trung tâm thông tin của Sở Tài nguyên - Môi trường TP, cộng thêm một số đang tiến hành làm thủ tục hoặc đã ra đến công chứng. Mặc dù chủ trương, chính sách đã hết sức ưu đãi, cộng với một lực lượng hùng hậu khoảng 4.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dịch vụ nhà đất trên toàn thành phố nhưng tại sao đến nay rất ít Việt kiều mua được nhà một cách hợp pháp?

Đi tìm nguyên nhân lý giải cho vấn đề này chúng tôi được biết, trong lúc Việt kiều mới về nước còn chưa có nhiều thông tin về tính pháp lý của nhà đất thì việc thay đổi liên tục giữa giấy trắng, giấy hồng, giấy đỏ thời gian vừa qua khiến thị trường bất động sản "chững" lại.

Thêm nữa, theo một số Việt kiều phản ánh thì giá nhà trong nước hiện nay còn cao so với nước ngoài chứ chưa cần so sánh với mặt bằng thu nhập. Nhiều người muốn mua ở những quận, huyện ven để có căn nhà rộng rãi và yên tĩnh hơn thì lại sợ quy hoạch, giải tỏa. Thủ tục pháp lý về sang tên chủ sở hữu nhiều khi kéo dài cũng gây tâm lý bất an, lo lắng khi phải bỏ ra một số tiền khá lớn rồi lại phải chờ đợi lâu.

Nhưng theo một lãnh đạo của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh thì "quan trọng nhất vẫn là phần xác nhận nhân thân của Việt kiều. Trước đây, theo quy định giấy xác nhận quốc tịch, giấy xác nhận công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và Bộ Ngoại giao cấp, sau đó phân cấp cho các tỉnh, thành.

Khi Nghị định 90/CP được ban hành thay thế Nghị định 81, do chưa có thông tư hướng dẫn nên các địa phương phải chờ. Thời gian qua, có một số Việt kiều đã phải quay về nước sở tại để xác nhận quốc tịch gốc, xác nhận công dân Việt Nam theo cách cũ, mà cách này thì mất rất nhiều thời gian.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều có ý định mua nhà, nên chăng chúng ta cần xem xét, chỉ cần Việt kiều có giấy xác nhận gốc Việt Nam là đủ cơ sở pháp lý cho việc mua nhà?"

Đức Thắng
.
.
.