Hơn 40 năm sống chung với chất độc

Chủ Nhật, 30/12/2007, 10:25
Người dân phường Đông Lương thị xã Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, sở dĩ người dân mắc bệnh hiểm nghèo là do trên địa bàn tồn tại nhiều hóa chất độc hại. Những năm 1960, nơi đây từng chôn giấu nhiều thùng thuốc trừ sâu, tuy nhiên do bom đạn cày xới nhiều lần, một số bị vỡ ra thẩm thấu vào đất, số khác không xác định được vị trí...

Tính từ năm 2000 đến nay, phường Đông Lương, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) có hơn 200 người chết vì bệnh tật, trong đó 22 người chết do căn bệnh ung thư. Qua hàng chục đơn thư khẩn cầu của người dân, ngành chức năng đã vào cuộc, xác định được sơ bộ nguyên nhân gây nên những cái chết này. Có điều, sau động thái ấy, tất cả lại rơi vào im lặng...

Không nhớ nổi số người chết

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trưởng trạm Y tế phường Đông Lương, cho biết từ năm 1980 đến nay, trong rất nhiều người chết do bệnh tật, có tới hàng trăm người chết do căn bệnh ung thư. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu phố Vĩnh Phước với gần 20 người chết do ung thư... 

Tôi hỏi bà Dung, con số cụ thể của từng năm là bao nhiêu? Từ năm 2000 đến nay, cả phường có hơn 200 người chết, trong đó 22 người chết do ung thư. Thời điểm chết do ung thư nhiều nhất là từ năm 1980 đến năm 1995. Tuy nhiên, con số cụ thể là bao nhiêu thì tôi chịu - bà Dung trả lời.

Theo giải thích của bà Dung, một mặt sổ sách để lâu ngày thất lạc, mặt khác đã quá mệt mỏi với lời hứa của cấp trên, thành ra chẳng để ý tới con số ấy làm gì. Chuyện là vào những năm ấy, số người chết do ung thư và các căn bệnh hiểm nghèo khác tăng đột biến, Trạm Y tế phường rồi chính quyền địa phương gửi hàng chục tờ trình, đơn thư cầu cứu lên chính quyền các cấp và ngành chức năng.

Năm 1995, Trung tâm Y tế thị xã Đông Hà phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành điều tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Hình như, trong mẫu nước ấy có nhiều độc tố nguy hiểm, ngoài việc gây nên căn bệnh ung thư, còn gây nên bệnh viêm gan B hàng loạt.

Tôi chỉ biết sau động thái ấy, UBND tỉnh Quảng Trị chi ra khoản kinh phí lớn giúp người dân phường này tiêm phòng viêm gan B. Sau đó, mọi chuyện lại như cũ. Thành ra, cái chuyện đơn thư giúp đỡ nhân dân phòng chống bệnh tật ở đây không mấy ai mặn mà gì nữa - bà Dung chùng giọng cho biết thêm.

Thêm những mối hiểm họa mới

Người dân phường Đông Lương cho biết, sở dĩ người dân mắc bệnh hiểm nghèo là do trên địa bàn tồn tại nhiều hóa chất độc hại.

Những năm 1960, nơi đây từng chôn giấu nhiều thùng thuốc trừ sâu, tuy nhiên do bom đạn cày xới nhiều lần, một số bị vỡ ra thẩm thấu vào đất, số khác không xác định được vị trí để tìm nên người dân không tránh được khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh, kho thạch cao khối lượng lớn tồn tại nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, rồi đến những năm gần đây, Nhà máy Gỗ Geruco MDF Quảng Trị của Tổng Công ty Cao su Việt Nam chẳng khác nào một kho thuốc trừ sâu.

Bình quân mỗi ngày, nhà máy này thải ra môi trường một lượng nước thải khổng lồ từ quá trình chế biến gỗ, nhưng không qua xử lý, làm cho cả vùng đất rộng lớn xung quanh nhà máy trở nên đục đen và hôi thối.

Hơn 60 vạn dân của thị xã Đông Hà thường xuyên hít phải mùi hôi độc hại đó. Sau nhiều lần người dân ở các khu phố mang đơn đi kiện, chính quyền tỉnh Quảng Trị cùng ngành chức năng buộc nhà máy phải đóng cửa nếu không xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Năm 2006, nhà máy đóng cửa thật nhưng không phải để xây dựng hệ thống nói trên, mà tạm nghỉ một thời gian để đối phó với dư luận rồi hoạt động trở lại như cũ. Người dân thị xã Đông Hà vì thế tiếp tục khiếu kiện, đồng thời huy động bà con đắp đê ngăn nước thải tràn vào khu dân cư.

Có điều, ngăn chỗ này, nước lại tràn ra chỗ kia, toàn bộ khu đất phía Tây nhà máy trở nên đen hơn mực. Hiện tại, mùi hôi từ nhà máy không chỉ còn trong phạm vi vài phường nữa, mà đã bao trùm toàn bộ thị xã Đông Hà.

Nặng nhất là khu dân cư Nam Đông Hà và toàn bộ khu dân cư nằm về phía Tây đường Hùng Vương dài hàng cây số. Những lúc trời lặng gió, nhà nào cũng phải đóng kín cửa tránh mùi hôi, trẻ con không chịu nổi khóc đến khản giọng.

Có lần người dân không chịu nổi, hè nhau bịt nắp cống thoát nước nhưng nhà máy lại cho người đập đi để xả nước thải...

Ngày 26/12, trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hường, Chánh văn phòng Nhà máy Gỗ Geruco MDF Quảng Trị thừa nhận nhà máy chưa xử lý được chất thải độc hại (thải ra khu dân cư và sông Vĩnh Phước nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 vạn dân thị xã Đông Hà).

Tuy nhiên, bà Hường cho rằng lỗi đó không phải hoàn toàn do nhà máy, mà phần lớn do lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị?

Chúng tôi xin chuyển lời khẩn cầu của người dân thị xã Đông Hà đến các cấp chính quyền và ngành chức năng có trách nhiệm liên quan

Phan Thanh Bình
.
.
.