Hơn 3.000 xã, phường, thị trấn “trắng” tệ nạn mại dâm, ma túy

Thứ Ba, 04/01/2005, 07:45

"Ở nơi nào có sự tham gia của chính quyền và cấp ủy thì ở nơi đó tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi", ông Lê Văn Nhã, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận xét trong cuộc tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi năm 2004, tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương thì tính đến tháng 11/2004, toàn quốc đã tiếp nhận, cai nghiện mới cho 24.135 người nghiện, nâng tổng số đối tượng đang quản lý tại các trung tâm lên tới 44.398 người. Một trong những khó khăn hiện nay là người nghiện ma tuý không chỉ dừng lại ở những người không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định hoặc có trình độ văn hóa thấp mà lan sang cả công nhân lao động, sinh viên, cán bộ viên chức Nhà nước, cùng theo đó là tính trạng lây nhiễm HIV trong các trung tâm cai nghiện.

 

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, chống tái nghiện, đảm bảo quy trình cai nghiện, trong năm qua, các tỉnh đã nâng thời gian cai tập trung tối đa là 24 tháng và tối thiểu là 12 tháng, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình cai nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện xuống còn 70-75%.

Nhiều mô hình được triển khai đã đem lại hiệu quả như "Đề án tổ chức quản lý dạy nghề tạo việc làm cho người sau cai nghiện năm 2004" của Tp. Hồ Chí Minh. Với phương châm kết hợp lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe và sản xuất cải thiện đời sống, các trung tâm đã tích cực tổ chức cho người nghiện tham gia lao động sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho 15.850 người, cả học viên cai nghiện và sau cai nghiện...

 

Nhiều địa phương đã xây dựng được chương trình quản lý các đối tượng sau cai nghiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, thông qua các chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Điển hình như tại Lào Cai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đang phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai dự án kiểm soát lạm dụng ma túy dựa vào cộng đồng cho đồng bào vùng cao tại Mường Hum, giúp  60 người nghiện tại xã cai nghiện xong giai đoạn 1.

Thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2001 và 2005, năm 2004, trong công tác tuyên truyền, các văn bản của Nhà nước về phòng chống mại dâm đã về được xã, phường và phát huy được hiệu quả, nhiều người dân đã mạnh dạn khai báo, tố giác các cơ sở kinh doanh dịch vụ mại dâm trá hình.

 

Năm qua, lực lượng Công an cả nước đã triệt phá được 1.078 vụ mại dâm, bắt giữ 4.780 đối tượng. Công an các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 31.030 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 3.375 cơ sở vi phạm, chủ yếu sử dụng tiếp viên không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không đủ ánh sáng, thu hồi giấy phép của 19 cơ sở. Công tác quản lý địa bàn được các địa phương thực hiện với nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, tạm trú tạm vắng. Những người vi phạm nhiều lần được đưa về gia đình quản lý.

 

Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện chế độ thông tin hai chiều với địa phương, xác định địa chỉ đối tượng, bàn giao trực tiếp người hoàn thành chữa trị ở trung tâm cho gia đình, chính quyền quản lý, tỷ lệ tái hòa nhập cộng đồng của những người này ở các địa phương là 80%. Điều đặc biệt là tệ nạn mại dâm trong các doanh nghiệp Nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên đã giảm rõ rệt. Trong đó, công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm được phát huy có hiệu quả với nhiều mô hình. Đến nay ở 48 tỉnh, thành phố đã có 3.622 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, ma túy.  
 

Tuy nhiên, thực trạng tệ nạn mại dâm và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp trong phạm vi cả nước. Tệ nạn xã hội ở xã, phường, thị trấn của 34 thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó tệ nạn mại dâm gia tăng ở 21/34 địa phương với những biến tướng khác nhau. Trong năm tới, mục tiêu xây dựng phường, xã lành mạnh không có tệ nạn xã hội tiếp tục được triển khai, phấn đấu đến năm 2010, 70% tổng số xã, phường trong cả nước lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm

Mai Anh
.
.
.