Hơn 12.000 lao động có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc

Thứ Sáu, 13/09/2013, 07:57
Ngay sau khi thông tin Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam ký thỏa thuận về hợp tác lao động, trong đó mở ra cơ hội tiếp tục thực hiện quá trình đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài (EPS), đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là đối với trên 12 nghìn lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011, các lao động ở huyện nghèo đã tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính từ tháng 8/2012…

Vấn đề là thời điểm nào Hàn Quốc sẽ ký Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS để lao động Việt Nam có thể trở lại Hàn Quốc làm việc ngay trong năm 2013 này là điều đang được mong đợi nhất.

Như trút được gánh nặng

Sau cả năm căng thẳng, theo sát các thông tin, động tĩnh về việc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam của Hàn Quốc, chị Phạm Thị Châu ở Quảng Tây, Quảng Xương, Thanh Hóa đã rất vui mừng khi biết chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác lao động, tiến tới để các lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn như chị có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc. Chị Châu cho biết, chị đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn vào tháng 12/2011, đỗ với số điểm gần như tuyệt đối - 196 điểm, tràn đầy hy vọng để được đi. Thế nhưng, đùng một cái, từ tháng 10 năm ngoái, Hàn Quốc đã không nhận lao động mới của Việt Nam khiến chị như chết đứng.

“Buồn không để đâu cho hết, cứ sống trong cảnh phấp pha phấp phỏng, chờ tin, không dám đầu tư xin việc ở đâu để chờ đợi. “Nếu Bộ LĐ-TB&XH ký kết lại được bản ghi nhớ về Chương trình EPS sớm thì em sẵn sàng chuẩn bị, vay mượn bà con họ hàng số tiền ký Quỹ 100 triệu đồng ngay”, chị Châu phấn khởi cho biết.

Nhu cầu lao động nước ngoài tại Hàn Quốc còn rất lớn. Ảnh minh họa.

Không chỉ người lao động mừng, mà những người làm chính sách ở các địa phương cũng rất hồ hởi. Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, nơi có trên 2.000 lao động đã thi đỗ chứng chỉ tiếng Hàn cho biết, Sở sẽ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương trong tỉnh thông tin, hướng dẫn làm đúng quy trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại tỉnh Nghệ An, ông  Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng khẳng định sẽ tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động và thông tin rộng rãi để mọi người cùng biết, để chấp hành việc ký Quỹ, thể hiện trách nhiệm của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Rốt ráo chuẩn bị để khơi thông thị trường vào tháng 10

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, vận động, tuyên truyền trong nước và tại nhiều tỉnh của Hàn Quốc có đông lao động Việt Nam đang làm việc, như: Suwon, Uijeongbu, Daegu, Ansan, Incheon, và Cheonan; gần đây nhất là việc Thủ tướng đã có quyết định cho thí điểm ký Quỹ 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, áp dụng mức phạt 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, đã là bước thay đổi căn bản, nâng cao trách nhiệm của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phóng viên Báo CAND biết, các bộ phận chuyên môn của Cục đang tích cực xây dựng các quy trình làm việc để cụ thể hóa các chính sách, giải pháp mà Việt Nam đã cam kết trong việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Đặc biệt là xây dựng quy chế xử phạt, trong đó có các căn cứ để xử phạt, và quản lý tiền ký Quỹ của người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, để hai bên sớm ký kết được Bản ghi nhớ đặc biệt, tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Cùng với việc tiếp nhận hồ sơ trở lại số lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục mở các lớp đào tạo miễn phí cho các lao động về nước đúng hạn để giới thiệu cho các DN Hàn Quốc tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề đang được người lao động cả nước nóng lòng chờ đợi này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trong buổi tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc mới đây đã cho biết, vào tháng 10 tới, Bộ sẽ chính thức khai trương Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên sớm đàm phán ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2013. Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động nước này cũng đã đánh giá cao và ghi nhận các biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nỗ lực giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn và các chế tài mạnh đối với lao động trước khi đi.

Việc mở lại thị trường đối với trên 1,2 vạn lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn và các lao động về nước đúng hạn, vẫn chỉ là kết quả bước đầu. Làm sao để các giải pháp, chính sách về XKLĐ được thực hiện có hiệu quả, tăng cường trách nhiệm và chất lượng của lao động Việt Nam, lấy lại niềm tin đối với lao động Việt Nam của Hàn Quốc, mở cửa cho các lao động mới được tham gia thị trường lao động thu nhập cao mà không quá đòi hỏi khắt khe như Hàn Quốc mới là đích đến cuối cùng.

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ tháng 8/2004. Từ đó đến nay, đã có trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân người lao động, gia đình họ và cho cả đất nước. So với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, phát sinh vấn đề người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc với tỷ lệ cao trên 50%,  Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ngừng ký gia hạn Bản ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 29/8/2012 và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam.

Thu Uyên
.
.
.