Hơn 10 năm loay hoay với dự án xử lý nước thải

Thứ Ba, 15/07/2014, 14:20
Chính xác là đã 12 năm kể từ khi Dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung (gọi tắt là Dự án xử lý nước thải - PV) ra đời. Thế nhưng đến nay, TP trực thuộc trung ương này vẫn chưa thể kết thúc dự án do nhiều nguyên nhân...

Hồ chứa nước thải nằm giữa quận trung tâm Ninh Kiều (hồ Xáng Thổi) dù đã được đầu tư trên 100  tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và khánh thành từ cách nay 5 năm hiện đang bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của đông đảo người dân... Cùng với câu chuyện loay hoay làm bãi rác, đây là dự án tốn nhiều lần hội họp nhất của chính quyền TP Cần Thơ.

Mỗi khi thủy triều rút, đáy hồ Xáng Thổi bốc mùi hôi thối nghiêm trọng.

Chạng vạng tối 12/7, tôi theo đường Trần Cương để vào hồ Xáng Thổi. Không như trước đây tôi từng chứng kiến, người đi bộ quanh bờ hồ không còn nhộn nhịp nữa. Hỏi người đàn ông đang ngồi bó gối chờ cá cắn câu – ông Ông Đức Vũ (ngụ địa chỉ 88/2A, Trương Định, phường An Cư, quận Ninh Kiều) giải thích gọn lỏn: “Gió phất lên thì hôi lắm, hít vào bệnh thêm”. Chỉ tay về phía một góc hồ đầy rác rưởi, ông Vũ cho biết thêm: “Khi nước rút cạn xuống, dân lưới cá lội xuống đây lùng sục tìm cá, mùi hôi bốc lên nặng hơn. Người dân và nhiều quán xá bán ăn uống quanh hồ bị ảnh hưởng bởi cái mùi khó chịu này lắm…”. 

Thực tế chuyện hồ Xáng Thổi bốc mùi từng được cử tri của phường An Cư nhiều lần lên tiếng, đề nghị chính quyền, ngành chức năng quan tâm xử lý. Sở TN&MT hơn 2 năm trước từng kết hợn ngành chức năng quận Ninh Kiều khảo sát thực tế, kiểm tra hiện trạng môi trường, thu mẫu nước mặt hồ Xáng Thổi. Kết quả cho thấy khu vực nước mặt bên trong lòng hồ và thảm cỏ, lối đi bộ xung quanh bờ hồ phát sinh các loại rác thải sinh hoạt, rác thải của các cơ sở kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Lòng hồ đang cạn dần do tiếp nhận bùn thải, nước thải chưa xử lý từ hệ thống cống thoát nước đô thị xung quanh chảy vào 7 miệng cống xả thải vào hồ. Đặc biệt, khi thủy triều xuống, lòng hồ đã nổi lên nhiều mảng bùn đáy và phát sinh mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Từ thực tế này, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiều công việc cần thiết, trong đó có yêu cầu đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ Dự án xử lý nước thải.

Dự án xử lý nước thải ra đời từ năm 2000, do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, đây là dự án đầu tiên của Cần Thơ thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), tổng số tiền vay lên đến trên 14 triệu euro, hạn mức vay đến năm 2006. Hạng mục chính của nhà máy là lắp đặt 23km cống thu gom nước thải khu vực quận trung tâm Ninh Kiều để đưa về Nhà máy xử lý nước thải công suất 30.000m3/ngày đêm đặt tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo TP, các sở, ngành chức năng, chủ đầu tư và đại diện KFW đã tốn khá nhiều thời gian để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án. Bên cạnh việc xử lý những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không có năng lực, một cán bộ cho biết khó khăn khác là ban đầu thiết kế chỉ 36 van ngăn triều nhưng sau đó lại phát sinh thêm 9 van. “Việc lắp van ngăn triều tại các miệng cống thoát nước là yêu cầu bắt buộc, phòng khi có đợt triều cường, nước sông không tràn vào hệ thống cống thoát nước thải, làm lượng nước thải đưa về nhà máy xử lý vượt quá công suất so với thiết kế. Việc phát sinh đơn nguyên này, đơn vị tư vấn thiết kế của nước ngoài không chịu trách nhiệm bởi hồ sơ thiết kế căn cứ trên hiện trạng thoát nước thải do chủ đầu tư cung cấp và đã được UBND TP phê duyệt” – cán bộ này cho biết thêm.

Được biết, số tiền đầu tư cho dự án tính vào tháng 8/2006 (chưa kể hạng mục phát sinh) đã là 363 tỉ đồng, tăng hơn 140 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu, khiến vốn đối ứng của TP (bằng nguồn ngân sách) từ 72 tỉ đồng tăng lên 175 tỉ đồng.

Cũng cần kể thêm tại hạng mục xây dựng bể phân hủy bùn, do liên danh nhà thầu WaRoTec/HAWEICCO thi công dở dang nên vào cuối năm 2013, phía KFW và Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra, làm rõ. Qua đó phát hiện chất lượng nước thải ở TP Cần Thơ (nếu đưa về bể phân hủy bùn) sẽ có hàm lượng hữu cơ như ở Nhà máy Xử lý nước thải Sóc Trăng trong khi trước đây đơn vị thiết kế được cung cấp hàm lượng cao gấp 3 lần. Chính từ thực tế này, KFW đề nghị chuyển thiết kế bể phân hủy bùn từ dạng hồ chứa (tổng cộng 7 hồ/mỗi hồ rộng gần 1.000m3), cốt nền bằng cừ tràm, sang bể đúc bê tông như công trình của Sóc Trăng. Việc chuyển đổi thiết kế này, không làm phát sinh chi phí (vì liên danh nhà thầu WaRoTec/HAWEICCO đã thực hiện xong phần nền hạ; đồng thời thể tích bể bê tông chỉ bằng phân nửa so với thiết kế là hồ chứa như ban đầu) nhưng đã làm tốn thêm thời gian của dự án.

Và xuất phát từ quá trình thi công xây dựng hạng mục cống thu gom không đảm bảo chất lượng bị người dân phát hiện, cùng một số nguyên nhân khác, lãnh đạo TP đã quyết định đổi chủ đầu tư, giao cho Sở KH&ĐT “tiếp quản” dự án, thực hiện phần việc còn lại.

“Giao cho chủ đầu tư mới, việc giải ngân nhanh hơn nhưng Dự án lại gặp phải khó khăn khác” – một cán bộ cho biết. Đó là việc lắp ráp thiết bị xử lý nước thải. Theo chúng tôi được biết thiết bị này thuộc một gói thầu khác của Đức đã được nhập về TP Cần Thơ từ cách nay 6 năm. Hiện thiết bị này được cất trong kho (ở khu nhà máy xử lý nước thải) và đã hết thời hạn hợp đồng bảo hành

Binh Huyền
.
.
.