Hội thảo quốc tế về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Thứ Ba, 25/11/2008, 09:03
Hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004 - 2008)" đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 24/11.

Dự hội thảo có các nhà khoa học trong nước và quốc tế: GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam; GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án HTTL; ông Ji Byong-mok, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Gyeongju (Hàn Quốc); GS. Kuniakzu Uneo, TS Kazuto Inoue - Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Nara (Nhật Bản) cùng nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc, Italia, Bỉ, Đài Loan v.v…

Với các cứ liệu lịch sử, PGS.TS. Tống Trung Tín đã công bố kết quả nghiên cứu đáng chú ý: thống kê được số lượng các kiến trúc tồn tại trong khu vực: 36 cung, 49 điện thời Lý; 22 cung, 13 điện thời Trần và 6 cung, 32 điện thời Lê. Các nhà khảo cổ cũng xác định chính xác niên đại các kiến trúc qua các di vật, đặc biệt, một số có ghi rõ tên cung điện như "Trường Lạc cung" là cung của Hoàng Thái hậu thời Lê sơ hay "Kim Quang Điện" là điện lớn thời Lê sơ, "Hoàng Môn thự" là cơ quan giúp việc nhà vua thời Trần v.v…

Lần đầu tiên, khảo cổ học cũng phát hiện được các dấu tích kiến trúc cung điện thời Lý ở trung tâm HTTL, dấu tích kiến trúc bát giác độc đáo của thời Lý, chứng minh thêm vị trí của kinh thành Thăng Long khi vua Lý Thái Tổ dời đô. Cũng lần đầu, khảo cổ học tìm được dấu tích cung điện nhà Trần ở Thăng Long với các kiến trúc hình hoa chanh, ngói mũi sen, gạch hình chữ nhật v.v…. Kiến trúc thời Lê tìm thấy ít hơn cả, nhưng cũng đủ phản ánh kinh thành Thăng Long thời Lê có sự thay đổi lớn so với thời Lý - Trần.

TS Kazuto Inoue đã nghiên cứu sâu về HTTL để đưa ra khẳng định: Cụm kiến trúc được bố trí phức tạp, nhưng ngăn nắp, quy hoạch thống nhất. Ông cũng tìm thấy những dấu tích đặc trưng của kiến trúc thời Lý với con đường đặc biệt để dành riêng cho bậc thiên vương hay hoàng tử. Kazuto Inoue cho biết: Có thể đã có 1 loại thước đo khác hiện nay được sử dụng trong thiết kế và xây dựng cụm cung điện HTTL. Ông cũng đưa ra những bằng chứng về dấu tích của thời Trần...

Với các chứng cứ khoa học phản ánh phần nào diện mạo lịch sử Thăng Long, các nhà khoa học thống nhất về giá trị toàn cầu của HTTL và đáp ứng tiêu chí Di sản văn hóa thế giới của UNESCO: Với bề dày lịch sử 13 thế kỷ, HTTL là nơi giao thoa nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng.

Sau 13 thế kỷ, khu di tích còn hiện diện với Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam hiện đại, tiêu biểu cho một truyền thống văn hoá lâu dài mang tính đại diện và kết tinh của lịch sử, văn hóa Việt Nam

Thanh Hằng
.
.
.