Hồi sinh những cuộc sống khuyết tật

Thứ Năm, 30/11/2006, 13:37
Trường Nguyễn Đình Chiểu, Xã Đàn hay làng Hoà Bình Thanh Xuân là những cái tên đã trở nên thân thương đối với những đứa trẻ khuyết tật, ở nơi đó có những thầy cô giáo đang vượt lên hết thảy những khó khăn, giúp các em trở lại cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.

Đã có biết bao nhiêu nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, trong hồi ký đã nói về những thầy, cô giáo của mình với một lòng tôn kính: "Ấy là những người dạy tri thức, khai thông nghề nghiệp, dẫn đường chỉ lối vào cuộc sống".

Với những thầy, cô giáo dạy cho trẻ em khuyết tật phục hồi chức năng con người, giúp các em tiếp thu được tri thức cần thiết, làm được công việc tự phục vụ mình trong cuộc sống, có chút nghề kiếm sống, hòa nhập với cộng đồng là cả một quá trình khó khăn đầy lòng nhân ái, bao dung. Chính những người giáo viên ấy đã hồi sinh cuộc sống cho nhiều trẻ khuyết tật.

Có tiếp xúc với các thầy, cô giáo các trường dạy trẻ khuyết tật tại Hà Nội thì mới cảm nhận được công lao, lòng yêu nghề, yêu trẻ của họ.

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu được giao nhiệm vụ dạy học sinh khiếm thị. Thầy Hiệu trưởng Phạm Hữu Quỳ cho biết: Để dạy văn hóa cho các em khiếm thị, đội ngũ giáo viên của trường ngoài việc có kiến thức sư phạm chung còn phải thường xuyên được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, dạy học cho học sinh khiếm thị.

Với bề dày hơn 20 năm dạy học sinh khiếm thị, đến nay, nhà trường đã có đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm và đã đào tạo được hàng trăm học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Nhiều học sinh của trường đã học lên những cấp học cao hơn, trong đó có 23 em đang học đại học, cao đẳng, hơn một chục em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, một số em đã trở thành cán bộ của Hội Người mù tại các quận, huyện và tỉnh, nhiều người làm nghề bấm huyệt, xoa bóp tại các bệnh viện, cơ sở chữa bệnh...

Trước khi dạy cho các em biết đọc, biết viết chữ nổi và tiếp thu chương trình học tập hệ phổ thông cơ sở, nhà trường đã tiếp nhận cho các em học dự bị một năm, khi đủ khả năng sẽ chuyển lên lớp học bình thường.

Trước hết, các giáo viên và chăm sóc viên hoặc các em lớn tuổi, lớp cũ dạy cho các em mới đến về kỹ năng tự lập trong sinh hoạt và cuộc sống, bởi rất nhiều em ở tại gia đình đa phần các công việc cá nhân do bố, mẹ hoặc người lớn giúp đỡ.

Tiếp theo đó mới dạy chữ nổi theo các lớp chuyên biệt vào một buổi học (sáng hoặc chiều), sau đó đưa vào từng lớp học sinh bình thường để tạo sự hòa nhập cộng đồng, học theo đúng chương trình của từng lớp. Vậy là, các thầy, cô giáo của trường ở từng lớp, từng bộ môn đều phải có kỹ năng dạy các em khiếm thị, giúp các em học được như bạn bè trong lớp. Có những học sinh trở thành học sinh tiên tiến, học sinh giỏi trong lớp.

Khác với Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường THCS Xã Đàn dạy cho các em câm điếc. Được dự giờ dạy phát âm của cô giáo Vũ Thị Kim Khánh mới thấy việc dạy cho trẻ câm điếc phải chuẩn bị giáo án rất công phu từ hình vẽ đến chữ viết trên bảng và các đồ dùng khác.

Để giúp các em phát âm, phải luyện hình miệng (khẩu hình), luyện thở, luyện giọng, luyện âm ngắn, âm dài chuyển sang học chữ. Khi dạy các em giao lưu dùng ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ điệu bộ để diễn đạt.

Cô giáo Lưu Tuyết Thanh dạy toán cho biết: Để các em biết chữ số, trước hết phải dùng vật thể hoặc hình ảnh biểu diễn giúp các em nhớ và viết. Khi đến chữ số hàng chục phải dùng que tính hoặc các hình ảnh nhiều hơn; các bài tập đều phải viết đề bài lên bảng để các em viết làm theo vào vở.

Những học sinh chỉ mắc bệnh câm, điếc có trí thông minh tốt, nhận thức nhanh chỉ hướng dẫn một vài lần là các em biết làm bài; với các em mắc bệnh thiểu năng việc giảng giải vất vả hơn nhiều.

Tại làng Hòa Bình, Thanh Xuân việc chăm sóc và dạy bảo trẻ em khuyết tật và thiểu năng do ảnh hưởng chất độc da cam hoặc bệnh bẩm sinh thật sự vất vả. Nhà trường lại chính là cơ sở nuôi dạy và phục hồi chức năng cho các cháu, từ các y, bác sỹ, dược tá đến các chăm sóc viên đều trở thành thầy cô giáo để giúp các em trong sinh hoạt đời thường, từ việc ăn uống đến vệ sinh cơ thể. Để dạy các em học chữ là cả một quá trình thực nghiệm lâu dài.

Những cán bộ công tác lâu năm ở làng Hòa Bình còn nhớ, người thực hiện việc dạy chữ cho các trẻ là bà Vân Thúy, một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, khi chăm sóc và hướng dẫn các cháu vui chơi, bà thấy có một số cháu có trí nhớ tốt về các hình đồ chơi. Bà nghĩ và đề xuất với lãnh đạo dạy cho các cháu học chữ, bà dùng phấn vẽ vòng tròn, dùng trái cây để giảng cho các em đó là chữ O; dạy được chữ O, chữ A có khi mất cả tháng trời.

Niềm vui đã đến với mọi người, các cháu của làng Hòa Bình vẫn có khả năng học chữ, các lớp dạy học chữ được mở ra, các phụ huynh vô cùng phấn khởi khi thấy con em mình được phục hồi một số chức năng mà lại học được cả văn hóa theo chương trình phổ thông.

Những năm gần đây, các em tốt nghiệp hệ tiểu học và trung học cơ sở tăng lên đáng kể. Sinh viên tình nguyện các trường đại học cũng góp sức dạy ngoại ngữ, tin học cho học sinh của trường; việc dạy kiến thức văn hóa kết hợp với dạy nghề phù hợp với sức khỏe và khả năng của từng em đã góp cho nhiều em phục hồi nhanh chóng các chức năng hòa nhập với cộng đồng, có những phụ huynh khi đón nhận con em mình từ làng Hòa Bình về đã cảm động đến rơi nước mắt: "Khi chúng tôi mang con đến đây, chúng là những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng. Nhưng bằng tình thương yêu nhân ái của cán bộ, giáo viên làng Hòa Bình, nay con em chúng tôi có văn hóa, có khả năng làm việc, đúng là niềm vui không thể tưởng tượng hết, thật hạnh phúc đến nhường nào".

Các thầy, cô giáo ở các trường THCS  Nguyễn Đình Chiểu, Xã Đàn, làng Hòa Bình, Trường Tiểu học Bình Minh và ở một số trường, cơ sở nhân đạo khác đã góp sức mang lại cho trẻ em khuyết tật những niềm ước mơ và nhiều mơ ước của các em đã thành sự thật, giúp các em hòa nhập với cộng đồng

Duy Tường
.
.
.