Hội nghị toàn thế giới lần II những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước

Chủ Nhật, 11/09/2005, 07:52

Thành phố New York (Mỹ) trong ngày 7/9 rợp cờ hoa và các biểu ngữ chào mừng Hội nghị toàn thế giới lần thứ 2 những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước. Hơn 150 Chủ tịch Quốc hội các nước thành viên Liên minh Nghị viện quốc tế (IPU) và các tổ chức Quốc hội là thành viên liên kết của IPU đã tham dự Hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tới Mỹ từ chiều 6/9. Có mặt tại Hội nghị để đưa tin, các phóng viên quốc tế đều cảm nhận một không khí trang nghiêm và tinh thần làm việc nghiêm túc trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng của các đoàn đại biểu. Các vấn đề được đưa ra thảo luận trong Hội nghị liên quan đến các biện pháp tăng cường tham gia của Quốc hội vào các vấn đề quốc tế; hỗ trợ và thúc đẩy các nỗ lực cải tổ nhằm tăng cường vai trò và hiệu lực của LHQ, đồng thời thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được Hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ năm 2000 thông qua.

Coi đây là cơ hội tốt để bày tỏ quan điểm của nước mình, nhiều quốc gia đã đưa ra những ý kiến mới, lạ, hay với tinh thần thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên của IPU. Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cũng tham gia phát biểu với tham luận mang chủ đề: "Dân chủ Nghị viện: Khuôn khổ tiêu chí và thực tiễn ở các quốc gia". Truyền đạt tham luận một cách truyền cảm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thu hút được đông đảo sự quan tâm và đồng tình, ủng hộ của phái đoàn các nước.

Theo kế hoạch, sau 3 ngày họp, Hội nghị sẽ thông qua tuyên bố nhan đề "Thu hẹp khoảng cách dân chủ trong quan hệ quốc tế: Một vai trò mạnh mẽ hơn của các Quốc hội" trong đó nhấn mạnh vai trò của LHQ trong hợp tác quốc tế, quan hệ giữa Quốc hội các nước với LHQ. Tuyên bố này sẽ được chuyển đến Hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York từ ngày 14 đến 19/9.

Trong bối cảnh LHQ đang nỗ lực cải tổ và nhu cầu giám sát sinh hoạt dân chủ trong đời sống chính trị quốc tế và trong các tổ chức quốc tế đa phương ngày càng trở nên cấp thiết thì Hội nghị toàn thế giới lần thứ hai những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước có vai trò thúc đẩy nỗ lực đa phương tại LHQ; tăng cường tiến trình dân chủ trong quan hệ quốc tế, đồng thời xem xét khuôn khổ chuẩn mực mới và những tập quán tốt nhằm thúc đẩy dân chủ thông qua thể chế nghị viện. Hiện IPU có 141 thành viên Quốc hội các nước trên thế giới và 7 tổ chức Quốc hội khu vực là thành viên liên kết

P.V
.
.
.