Hội nghị SOM III: Thúc đẩy nối lại vòng đàm phán Doha

Thứ Sáu, 15/09/2006, 07:53
Các đại biểu nhất trí APEC cần có cam kết chính trị và thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo để thúc đẩy nối lại vòng đàm phán Doha; tiếp tục các hoạt động tăng cường năng lực, đẩy mạnh hợp tác với Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) để khu vực tư nhân có thể tác động Chính phủ quay trở lại vòng đàm phán.

Ngày 13/9, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III) và các cuộc họp liên quan tiếp tục diễn ra tại TP Đà Nẵng và thị xã Hội An, Quảng Nam, với những cuộc họp của nhóm đặc trách về chống khủng bố, Ủy ban Thương mại và Đầu tư, nhóm đặc trách về chống tham nhũng, mạng lưới các đầu mối công tác về giới và Hội thảo về xây dựng năng lực của nhóm đặc trách y tế đối phó với dịch cúm gia cầm.

Tại cuộc họp phiên toàn thể thứ nhất của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI - Committee on Trade and Investment), nhiều đại biểu tham gia thảo luận về các hình thức hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa biên, việc thúc đẩy các thỏa thuận tự do khu vực và song phương chất lượng cao và quá trình thực hiện Chương trình nghị sự kinh doanh Busan đều bày tỏ quan ngại của sự bế tắc vòng đàm phán Doha và nhấn mạnh sự cần thiết để các thành viên quay trở lại bàn đàm phán.

Vòng đàm phán Doha của WTO được khởi động tháng 11/2001, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 4 ở Doha, Qatar, các thành viên tiến hành đàm phán về nông nghiệp và dịch vụ nhằm dỡ bỏ những hàng rào thuế quan và phi thuế quan để hỗ trợ cho xuất khẩu các nước đang phát triển. Tuy nhiên, 2 năm sau, tại Cancun, Mexico, đàm phán đổ vỡ do những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về vấn đề trợ cấp nông nghiệp.

Từ đó, mục tiêu kết thúc vòng đàm phán Doha vào ngày 1/1/2005 không thực hiện được và phải lùi sang cuối năm 2006. Tháng 12/2005, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 6 tại Hồng Kông đã nhất trí xóa bỏ toàn bộ trợ cấp nông nghiệp vào năm 2013, ấn định thời hạn cuối tháng 4/2006 để các nước đưa ra thể thức cắt giảm thuế nhập khẩu và thời hạn tháng 10/2006 để đưa ra đề xuất mở cửa thị trường dịch vụ…

 

Cuộc họp của Nhóm đặc trách về chống khủng bố.

Vì vậy, các đại biểu nhất trí APEC cần có cam kết chính trị và thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo để thúc đẩy nối lại vòng đàm phán Doha; tiếp tục các hoạt động tăng cường năng lực, đẩy mạnh hợp tác với Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) để khu vực tư nhân có thể tác động Chính phủ quay trở lại vòng đàm phán và tiếp tục các hoạt động mà APEC có thế mạnh như Hiệp định về công nghệ thông tin.

Bên cạnh, các đại biểu cũng tiếp tục thảo luận 14 dự thảo các điều khoản mẫu cho các thỏa thuận tự do thương mại khu vực và song phương (RTAs/FTAs) và nhất trí trình các quan chức cao cấp (SOM) thông qua những điều khoản có nhiều đồng thuận nhất để báo cáo lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế tháng 11 tới.

Đồng thời, thảo luận báo cáo về Chương trình thuận lợi hóa thương mại (TFAP) từ 2001-2006, có mục tiêu giảm 5% chi phí giao dịch thương mại và căn cứ vào kết quả đã thực hiện, các đại biểu thảo luận việc gia hạn chương trình này với mục tiêu giảm thêm 5% chi phí giao dịch nữa từ nay đến năm 2010.

Trong cuộc họp báo chiều 13/9, ông Chris De Cure OAM, Trưởng nhóm đặc trách APECM, đã thông báo thêm một số vấn đề mà đại biểu CTI đã đưa ra thảo luận, như: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề đầu tư, phải minh bạch hơn nữa các quy định liên quan đến doanh nghiệp, làm thế nào để nhân diện rộng hơn nữa tự do hóa thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương… ông Chris De Cure OAM cho rằng, việc các đại biểu thảo luận đưa ra những cam kết mới, nhân tố mới sẽ thúc đẩy hoạt động và sự hợp tác của các nền kinh tế có hiệu quả hơn.

Nhiều sáng kiến về chống khủng bố trong khu vực APEC

Trong cuộc họp báo chiều 13/9, Đại tướng, Đại sứ Benjamin Defensor của Philippines, đại diện cho nhóm đặc trách về chống khủng bố (CTTF - Counter Terrorism Task Force), thông báo về phiên họp đầu tiên của CTTF. Tại phiên họp này, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp chống khủng bố trong tình hình mới để đảm bảo an ninh cho các phương tiện giao thông đi lại; thảo luận về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, chống bọn khủng bố có thể sử dụng chất độc hóa học tấn công…

Vì hiện nay, bọn khủng bố hoạt động tinh vi và xảo quyệt hơn. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến bảo vệ hải cảng, sân bay, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước âm mưu tấn công của bọn khủng bố có vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí sinh hóa... Đặc biệt chú ý đến những sáng kiến chống khủng bố đường biển và đường hàng không, với những kẻ khủng bố trang bị tên lửa vác vai, vũ khí phóng xạ.

Hiện nay, trong nền kinh tế APEC, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn, song cũng cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của bọn khủng bố, vì chúng không từ một quốc gia nào, hay lĩnh vực nào.

V.L.

Long Vân
.
.
.