Hội nghị Môi trường toàn quốc 2005: Những con số đáng báo động

Thứ Ba, 26/04/2005, 07:16

Mặc dù đã tham gia 17 công ước quốc tế về môi trường, ở nước ta, hiện mới chỉ có gần 500 cán bộ quản lý Nhà nước bảo vệ môi trường, trên 50% số tỉnh thành lập Phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện, còn nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở cấp xã hầu như bị bỏ trống.

Nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường. Thực tế cho thấy có đến 70% các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, 90% cơ sở sản xuất dịch vụ không xử lý nước thải mà đổ thẳng ra môi trường. Chi phí cho bảo vệ môi trường ở nước ta lại rất thấp: Chiếm chưa đầy 1% GDP, trong khi đó ở các nước phát triển từ 3-4% GDP.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đang xảy ra ở tất cả các lĩnh vực. Với khoảng 70 khu công nghiệp và hơn 1.000 bệnh viện trên cả nước, mỗi ngày có hàng triệu m3 nước thải không qua xử lý đổ vào môi trường, điển hình là ô nhiễm nước trên các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy và sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Trên 50% diện tích đất (3,2 triệu ha) ở vùng đồng bằng và trên 60% diện tích đất (13 triệu ha) ở vùng đồi núi có những vấn đề liên quan tới suy thoái đất. Ngoài ra, bụi và khí thải sản xuất công nghiệp, đặc biệt hoạt động giao thông vận tải đang là vấn nạn đối với nguồn không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày.

Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Còn về chất lượng rừng và đa dạng sinh học, đây là một trong những vấn đề môi trường bức xúc nhất. Theo thống kê, diện tích đất có rừng ở nước ta hiện nay vào khoảng 11,5 triệu ha, trong đó 84% là rừng tự nhiên. Trong vòng chưa đầy 50 năm, diện tích che phủ rừng đã giảm từ 43% xuống còn 27% năm 1990. Sau đó, nhờ những giải pháp kịp thời, diện tích rừng đã được nâng lên 33% vào năm 2001 và 34,4% năm 2003. Mặc dù vậy, rừng tự nhiên đầu nguồn và rừng ngập mặn vẫn tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng. Nguyên nhân suy giảm chất lượng rừng chủ yếu là do các hoạt động khai thác lâm sản bừa bãi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không có hoặc không theo quy hoạch.

Cùng với rừng, biển cũng đang hàng ngày hứng chịu nước thải từ các khu du lịch, các nguồn ô nhiễm từ những hoạt động kinh tế - xã hội, việc khai thác thuỷ sản và sử dụng các phương tiện đánh bắt huỷ diệt đã làm cho các nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, mỗi năm, ở nước ta có hơn 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chất thải rắn nguy hại chiếm khoảng 1%. Việc xử lý chất thải rắn còn thô sơ, chủ yếu dưới hình thức chôn lấp tại các bãi rác lộ thiên và không được vận hành đúng kỹ thuật, gây ra nhiều vấn đề về môi trường cho các hộ dân cư quanh vùng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chung: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái, điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường, đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc 2005, vấn đề phòng ngừa ô nhiễm và xã hội hoá môi trường được các đại biểu, đại diện các Bộ, ban ngành và các địa phương nhấn mạnh: Phải xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia, đa dạng hoá hoạt động, hình thành các mô hình quản lý cộng đồng tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường

L.T
.
.
.