Hội chợ việc làm: Cơ hội cho những người tìm việc

Thứ Sáu, 29/07/2005, 17:00

Hội chợ việc làm (HCVL) Hà Nội lần thứ 4 diễn ra trong 3 ngày từ 29 - 31/7 với gần 8.500 chỉ tiêu tuyển dụng trực tiếp và trên 62.000 chỉ tiêu đào tạo nghề trong 2 năm 2005 - 2006.

Tính đến thời điểm này đã có 204 đơn vị tham gia với tổng số 236 gian hàng, trong đó có 143 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, 50 đơn vị là các cơ sở đào tạo nghề và 11 cơ sở có chức năng giới thiệu việc làm. Đã có 50 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động trong 2 năm (2005-2006) là 72.400 người; riêng năm 2005 là 39.313 người.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng đăng ký kế hoạch tuyển dụng lao động trực tiếp ngay tại hội chợ là 8.496 lao động; trong đó số người có trình độ đại học là 2.117 người, lao động có trình độ cao đẳng, trung học và công nhân kỹ thuật 2.996 người và lao động phổ thông là 3.413 người. Về kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề, trong 2 năm sẽ đào tạo 30.250 chỉ tiêu hệ dài hạn và 32.600 chỉ tiêu hệ ngắn hạn.

Nhiều người lao động quan tâm đến những thông tin việc làm tại HCVL.

Những doanh nghiệp không có nhu cầu tham gia hội chợ mà có nhu cầu tuyển dụng lao động được Ban tổ chức bố trí ngay các bàn tuyển dụng tại khu vực tuyển dụng trực tiếp của hội chợ. Tại hội chợ lần này, yêu cầu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp phải thật cụ thể. Từ yêu cầu bằng cấp đến hộ khẩu hay phương tiện... để lao động có thể tham khảo, lựa chọn trước khi đăng ký tuyển dụng.

Những đối tượng lao động thuộc các khu vực đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất (hầu hết trong số họ là lao động phổ thông) thời gian qua đã được tiếp cận thông tin về hội chợ và cơ hội việc làm của họ thông qua những phương tiện thông tin, tuyên truyền bằng loa, đài, băng rôn trên địa bàn các quận, huyện trong thành phố Hà Nội.

Tại hội chợ, lao động thuộc khu vực này cũng có cơ hội tìm việc làm vì có khá nhiều chỉ tiêu dành cho lao động phổ thông có thể phù hợp với họ trong khi chưa được học nghề để chuyển sang nghề khác.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc thực hiện giám sát chính sách lao động sau tuyển dụng, theo chức năng quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã được triển khai tại các doanh nghiệp thường xuyên. Thanh tra lao động và các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở sẽ có hướng dẫn và thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách lao động tại các doanh nghiệp.

Năm 2004, sau khi kết thúc HCVL, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã khảo sát thông qua phiếu kết quả tuyển dụng của 30 doanh nghiệp trên tổng số 136 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại hội chợ. Kết quả có 2.767 vị trí được tuyển, đạt 36,88% so với nhu cầu thông báo tại hội chợ, trong đó trình độ đại học là 1.148 người; cao đẳng, trung học và công nhân kỹ thuật là 1.044 người và lao động phổ thông là 575 người

Mai Tâm Hiếu
.
.
.