Học trò quên vở, cô giáo bắt viết phạt … 160 bản kiểm điểm

Thứ Ba, 25/12/2007, 11:24
Do quên vở, bé trai học lớp 4 bị cô giáo phạt, bắt viết 160 bản kiểm điểm. Đi học về, bé quăng cặp sách là lao vào viết, viết đến 11 giờ đêm vẫn chưa xong, vừa viết vừa khóc vì quá mệt. Thương con quá, bố mẹ phải bò ra học cách viết chữ của con để… viết hộ.

1. Ngày 23/12, chúng tôi nhận được điện thoại của một bậc phụ huynh xưng tên là L., hiện công tác ở một cơ quan truyền thông lớn (anh đề nghị được viết tắt tên), để phản ánh về việc con anh bị cô giáo đánh tím bầm lòng bàn tay. Bất ngờ hơn chuyện này lại xảy ra ở trường tiểu học Q., một trường có tiếng tăm ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tối 17/12, trong bữa cơm tối, vợ chồng anh thấy thằng bé ăn uống uể oải, bàn tay phải cầm đũa rất khó nhọc, chị vợ hỏi con bị làm sao nhưng cháu không nói. Sinh nghi, anh liền mở bàn tay con ra xem và choáng váng khi thấy lòng bàn tay của đứa con 10 tuổi bầm tím.

Gặng hỏi mãi, con anh mới kể, chỉ vì chữ cháu không được đẹp và cháu không thể viết được nét khuyết trên giống cô giáo nên đã bị cô giáo dùng thước quật vào tay bầm tím.

Quá bức xúc vì hành vi phản sư phạm đó, hôm sau anh L. đã đến trường Q. để hỏi. 8 giờ lớp học bắt đầu, nhưng vẫn không thấy cô giáo đâu, thì ra cô vẫn đang uống cà phê điểm tâm buổi sáng.

Anh L. vào lớp học của con trai mình và thu được 5, 6 chiếc thước kẻ đã sờn, bong tróc sơn, trông giống như một que củi (một số học sinh trong lớp nói với anh cô dùng thước đó để quật vào tay bạn nào viết xấu và nói chuyện). Anh đã mang số thước kẻ đó đến gặp cô hiệu trưởng phản ánh sự tình…

Kể lại câu chuyện đó, anh L. giọng bức xúc: "Việc của con tôi tuy chưa để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng tôi muốn phản ánh tình trạng xâm hại thân thể, sức khoẻ và danh dự các em học sinh nhỏ tuổi đang len lỏi trong nhiều trường tiểu học và muốn cơ quan báo chí lên tiếng, bảo vệ các em học sinh tuổi măng non. Những vụ việc nổi xảy ra ở trường mầm non Thiên Thơ, Sơn Ca… được đưa ra công luận và bị lên án mạnh mẽ thì bị xử lý nghiêm. Nhưng con số đó còn quá ít chăng? Còn những vụ việc nhỏ chưa bị phát hiện thì sao? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi các em?".

Câu chuyện của anh L. khiến tôi nhớ tới câu chuyện của một bậc phụ huynh ở thành phố Hà Đông (Hà Tây), có cháu học ở trường tiểu học V. Con trai chị học lớp 4, lớp cô N. Do mải chơi, có lần cháu quên một quyển vở và bị cô phạt viết 80 bản kiểm điểm. Có cháu hai lần quên vở bị phạt viết 160 bản kiểm điểm.

Và để hoàn thành số lượng bản kiểm điểm khổng lồ đó, bé đi học về quăng cặp sách là lao vào viết, viết đến 11 giờ đêm vẫn chưa xong, vừa viết vừa khóc vì quá mệt. Thương con quá, vợ chồng chị phải bò ra học cách viết chữ của con để… viết hộ.

Rất nhiều phụ huynh bất bình vì cách "phạt" học trò của cô N., nhưng không dám nói vì sợ cô có "ấn tượng" với con mình. Những đứa trẻ lớp con trai chị thì bị ám ảnh, đến lớp học rất nặng nề, có cháu nửa đêm thét lên vì mộng mị…

2. Tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ tháng 12 của Bộ GD & ĐT do Thứ trưởng Bành Tiến Long chủ trì, Bộ đã thống kê, trong thời gian vừa qua, có khoảng 20 vụ bạo hành học sinh đã xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó điển hình là Hà Nội có 5 vụ, TP Hồ Chí Minh 3 vụ, Đồng Tháp 2 vụ, Thanh Hoá 2 vụ…

Những sự việc đó đã báo động sự xuống cấp về đạo đức người thầy. Nhiều lý do được đưa ra để mổ xẻ, phân tích hiện tượng, trong đó có người đưa nguyên nhân áp lực công việc quá tải dẫn tới giáo viên bị căng thẳng tâm lý, có người đưa lý do lương thấp.

Tuy nhiên, lý do thuyết phục nhất có lẽ là do một bộ phận người thầy chưa trau dồi đạo đức làm thầy, chưa được đào tạo chuẩn về đạo đức, trình độ chuyên môn, sư phạm còn quá yếu và do cả phương thức tuyển dụng.

Để xiết chặt lại kỷ cương môi trường sư phạm, ngày 24/12, Bộ GD & ĐT đã triển khai một loạt giải pháp để chấm dứt hoàn toàn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo từ học kỳ II năm học 2007 - 2008.

Thiết nghĩ, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người thầy, họ phải tự trau dồi phẩm chất và lương tâm làm thầy của mình để xứng đáng với truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam tự ngàn đời nay.

Bộ GD & ĐT nên tổ chức những cuộc hội thảo về đạo đức người thầy, có tổng kết đánh giá sớm cuộc vận động "Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức" để rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời thí điểm thực hiện mẫu ở nhiều trường phổ thông, tạo một hiệu ứng tích cực lan rộng trong lớp lớp những người thầy!

Thu Phương
.
.
.