Học sinh vùng lũ sáng chế nhà chống bão, lũ cho người nghèo

Chủ Nhật, 06/10/2013, 14:31
Vượt qua hàng trăm sáng chế khoa học, 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, vừa đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị, với mô hình nhà chống bão, lũ dành cho người nghèo.

Ba em học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm Trần Thị Tố Như, Võ Duy Khánh và Lê Thanh Thiên, sinh sống ở huyện Triệu Phong, vùng đất thường xuyên bị thiên tai bão lũ, nên hơn ai hết các em thấm hết nỗi nhọc nhằn mỗi khi mưa gió đổ về.

Trăn trở nhiều rồi ý tưởng xuất hiện vào ngày nhà trường thông báo cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh. “Ban đầu ý tưởng xuất hiện em trăn trở nhiều lắm, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Rồi với quyết tâm giúp người dân quê mình thoát bão, lũ, em liền chia sẻ ý tưởng với hai bạn Khánh và Thiên. Được sự ủng hộ, em mừng lắm. Thế là chúng em bắt tay vào thực hiện”, em Tố Như bộc bạch.

Sau 6 tháng bắt tay vào thực hiện với sự hỗ trợ hết mình của cô giáo Nguyễn Thị Vân, giáo viên dạy toán các em, đề tài về ngôi nhà sống chung với bão, lũ lớn đã được hình thành từ ý tưởng đến thực tế.

Tố Như kể: “Đầu tiên nhóm em cùng cô giáo tranh thủ thời gian rảnh về các vùng quê thuộc xã Triệu Long và một vài nơi khác có địa hình thấp trũng để khảo sát, xin ý kiến của bà con nông dân. Cùng với đó là phải tính toán làm sao cho một gia đình nghèo nhất cũng có thể xây dựng được nhà chống bão, lũ.

Các em Trần Thị Tố Như, Võ Duy Khánh và Lê Thanh Thiên bên mô hình nhà chống bão lũ cho người nghèo.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: “Làm sao để nhà nổi trên mặt nước?”, “Chọn vật liệu nào cho phù hợp?”, “Cách nào giảm thiểu chi phí xây dựng nhà?”… Khó khăn lắm, song nhờ có sự động viên của cô giáo, cả nhóm suốt ngày, đêm hì hục tranh luận, nghiên cứu. Cả cô và trò không nhớ hết số lần họ lặn lội về xã Triệu Long, trò chuyện với người dân để khảo sát thực tế.

Không chỉ trao đổi thông tin về mức độ ngập lụt, thiệt hại nói chung, cô Vân cùng học trò còn tìm hiểu về đời sống, mức thu nhập của bà con. “Đời sống của người dân nơi đây phần lớn đều gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bọn em đặt ra tiêu chuẩn xây dựng nhà là phải an toàn, đảm bảo tính thẩm mĩ và đặc biệt là phù hợp với túi tiền”, em Khánh tâm sự.

Cuối cùng, hình dạng về ngôi nhà tự nâng lên tương ứng với mực nước được hình thành; điểm đặc biệt của ngôi nhà này nằm ở hệ thống các thùng phi nằm sát móng nhà. Hệ thống này được gắn với 8 trụ sắt trượt. Mỗi khi nước lũ dâng cao, hệ thống thùng phi sẽ trượt trên các trụ sắt, làm nhà nâng lên theo một mức tương ứng.

Thực nghiệm chứng minh, hệ thống thùng phi có thể nâng được khối lượng hơn 4 tấn. Cùng với đó là sử dụng hệ thống dây cáp neo nhà để chống bão. Mỗi khi gió bão, người dân sẽ căn cứ vào lực gió để cố định nhà bằng hệ thống dây cáp này…

Qua khảo sát, một ngôi nhà “sống chung với bão, lũ” có tổng kinh phí xây dựng khoảng 45 triệu đồng. Thầy giáo Lê Bá Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Quả thực sáng tạo của nhóm học sinh Tố Như, Duy Khánh, Thanh Thiên mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Chúng tôi rất vui vì học trò mình đã có nhiều sáng chế thể hiện tình yêu quê hương một cách thiết thực như vậy. Mong rằng ý tưởng của các em sẽ được quan tâm, sớm trở thành hiện thực để giúp bà con nông dân bớt vất vả”

Thanh Bình
.
.
.