Học sinh vẫn thiếu kỹ năng phòng ngừa hiểm họa ma túy

Thứ Năm, 24/06/2021, 07:56
Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Điều đáng lo ngại hơn cả là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến đối tượng học sinh sinh viên dưới nhiều hình thức phức tạp. Trong khi đó, học sinh vẫn thiếu kỹ năng phòng ngừa hiểm họa ma túy.


Ám ảnh kinh hoàng 6 năm nghiện ma túy

Ngày 22/6, Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia.

Tại hội nghị, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Hơn 26 năm trước, khi đang là sinh viên của Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh tại Như Quỳnh, Hưng Yên, chỉ vì sự ngông cuồng cùa tuổi trẻ cộng với thiếu hiểu biết và bị bạn bè rủ rê, ông Tuấn đã sử dụng ma túy và chính thức bị nghiện ma túy sau 2 tháng.

6 năm nghiện ma túy là 6 năm ông Tuấn chìm trong đớn đau tột cùng, sống cuộc đời lầm lạc, tội lỗi khi làm mọi thứ xấu xa nhất để kiếm tiền sử dụng. Bao nhiêu hoài bão tuổi trẻ, sức khỏe và niềm tin đã bị chôn vùi.

Ma túy là sự ám ảnh khủng khiếp và kinh hoàng nhất mà ông Tuấn đã phải trải qua. Thời gian nghiện kéo dài 6 năm và ông Tuấn đã ngừng sử dụng ma túy được hơn 20 năm. Trên hành trình đầy đau đớn của mình, ông Tuấn đã chứng kiến nhiều người quen, người bạn của mình chết do liên quan đến ma túy. Ông Cũng chứng kiến hàng nghìn cuộc đời của các thanh niên bị ma túy hủy hoại. Thay vì được học tập dưới mái trường để trở thành những công dân có ích trong tương lai, các em đã phải lựa chọn các trung tâm cai nghiện, bệnh viện tâm thần.

Một buổi tuyên truyền về công tác phòng ngừa ma túy học đường cho học sinh của Công an TP Hà Nội.

Nhắc lại chuyện cá nhân, nỗi đau của 6 năm "chung sống" với ma túy, ông Tuấn mong muốn đây là bài học cho các bậc phụ huynh, nhà trường cần quan tâm đến con em mình nhằm giúp các em tránh xa hiểm họa ma túy đang len lỏi vào trường học với nhiều hình thức tinh vi như trà sữa, kẹo dẻo…

"Giá như cách đây 26 năm có ai đó dạy chúng tôi đầy đủ kiến thức và tác hại của ma túy, chắc tôi cùng những nạn nhân của ma túy sẽ không đi vào con đường đầy đau khổ ấy. Giá như ngày đó cha mẹ và thầy cô giáo của tôi được tập huấn kỹ càng về cách phòng tránh ma túy thì có lẽ họ đã ngăn chặn kịp thời không để chúng tôi đi vào con đường đó, không để chúng tôi lún sâu vào vũng bùn tội lỗi và nhơ nhuốc của ma túy", ông Tuấn bày tỏ sự tiếc nuối.

Đưa tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" vào học đường

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng lo ngại hơn cả là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến đối tượng học sinh sinh viên dưới nhiều hình thức phức tạp.

Hầu hết giới trẻ nghiện ma túy khi tỉnh ngộ đều tỏ ra ân hận, việc sử dụng và nghiện ma túy vì thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh. Các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức. Đó là phát biểu của PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện PSD tại hội nghị.

Theo ông  Mai Văn Hưng, hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được. Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.

"Qua nhiều cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy. Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay", Viện trưởng Viện PSD khẳng định.

Còn theo chia sẻ của em Minh Phương, Trường PTTH Trần Phú, Hà Nội, em  đã được nhà trường, các thầy cô tổ chức những buổi học giao lưu, học hỏi với những trung tâm phòng, chống ma túy, qua đó em cũng được mở mang nhiều kiến thức liên quan đến ma túy và cách tránh xa, phòng chống ma túy. Nhưng em nghĩ rằng điều đó vẫn là chưa đủ mà học sinh, sinh viên em cần bổ sung các kiến thức và kỹ năng để học sinh có thể tự tin bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, lấy phòng là chính, hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý các dịch vụ kinh doanh dễ bị lợi dụng để sử dụng trái phép ma túy, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, lợi dụng du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh...

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh sẽ được tiếp cận bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" do Viện PSD biên soạn. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh. Nội dung tài liệu được tích hợp vào các tiết học và bằng nhiều hình thức phù hợp. Bộ tài liệu sẽ giúp các em học sinh không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, bộ tài liệu sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên tại các cơ sở giáo dục có kỹ năng, kinh nghiệm để bảo vệ con em mình trước sự tấn công của ma túy. 
Nguyễn Hương
.
.
.