Hoạt động XKLĐ tại Hải Phòng: Nhu cầu lớn, xuất nhỏ giọt

Thứ Năm, 29/04/2010, 22:31
XKLĐ đang được xem là hướng đi tích cực có ý nghĩa xã hội to lớn trong chiến lược xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ lâu nay, hoạt động XKLĐ ở nhiều địa phương trong cả nước nói chung và ở Hải Phòng nói riêng đang tồn tại khá nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Nguyên nhân

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH thành phố cũng cho hay, số người đi XKLĐ trong vài năm gần đây bình quân chỉ đạt 1.800 lao động/năm, một con số hết sức khiêm tốn so với hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động của địa phương và so với tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn còn cao khoảng hơn 5% như hiện nay.

Lý giải về thực trạng XKLĐ trên địa bàn thời gian qua, đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hải Phòng cho rằng, sở dĩ chương trình XKLĐ của địa phương đạt kết quả thấp, là do thời điểm gần đây, một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng, chưa thấy được trách nhiệm của mình về vấn đề XKLĐ. Các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ trên địa bàn hoạt động còn yếu và rời rạc, không đủ khả năng giải quyết các tranh chấp lao động ở nước ngoài cũng như việc tìm kiếm mở rộng thị trường.

Vì thế khiến người dân thiếu tin tưởng và tích cực tham gia vào chương trình này. Trong khi đó, thị trường XKLĐ luôn biến động, có những nước nhu cầu lao động lớn nhưng mức thu nhập của người lao động lại thấp, ngược lại, những thị trường có mức thu nhập cao hơn, doanh nghiệp lại chưa chủ động tiếp cận để đưa lao động đi.

Trong một báo cáo giám sát về XKLĐ gần đây, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ rõ hàng loạt hạn chế, bất cập, như: số lượng các doanh nghiệp XKLĐ lớn (170 đơn vị, riêng Hải Phòng gần 20 đơn vị), song nhiều doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, lực lượng mỏng và thiếu kinh nghiệm.

Trong khi đó, việc tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi được thực hiện qua quýt, chiếu lệ. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ở nước ngoài; phí môi giới không rõ ràng, ngoài tầm kiểm soát; chồng chéo thị trường, cạnh tranh thiếu lành mạnh…

Chính vì lẽ đó khiến hầu hết những lao động Việt Nam, vốn không có khả năng đầu tư tự học nghề, ngoại ngữ, khi ra nước ngoài đã gặp phải rất nhiều khó khăn và chỉ có thể làm những công việc với thu nhập thấp.

Cũng theo bản báo cáo giám sát trên phân tích, đánh giá thì những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực XKLĐ cũng là nguyên nhân cơ bản, không thể không kể đến. Trong đó, đặc biệt là các vấn đề, như: chưa có biện pháp thẩm tra chặt chẽ năng lực của các đơn vị xin cấp phép cũng như thẩm tra chất lượng các hợp đồng cung ứng lao động do các doanh nghiệp đăng ký; tiêu cực trong công tác quản lý chưa được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh; xử lý chưa nghiêm minh các vi phạm của doanh nghiệp XKLĐ.

Người lao động chờ mong cơ hội

Trong 2 năm (2008-2009), Hải Phòng xuất khẩu 3.370 lao động sang thị trường các nước, chủ yếu là Đài Loan và Malaysia. Tuy không đạt chỉ tiêu đề ra, song số lao động này hầu hết xuất thân từ những gia đình nông dân khó khăn về kinh tế. Vì thế, khoản tiền họ thu nhập được trong thời gian lao động ở nước ngoài, đã góp phần không nhỏ vào việc xoá đói giảm nghèo cho gia đình, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Có một thực tế, tuy hoạt động XKLĐ ở Hải Phòng không ồn ã như trước, song phần đông người lao động vẫn rất chờ mong một cơ hội đến với họ. Nhưng đó phải là cơ hội thật sự, mang lại hiệu quả chứ không "đầu voi, đuôi chuột" như vừa qua. Muốn vậy, không còn cách nào khác là các cấp, ngành, đơn vị liên quan phải khắc phục được tất cả những hạn chế, yếu kém nói trên.

Được biết năm 2010 này, nước ta sẽ đưa khoảng 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Với chỉ tiêu trên, Hải Phòng cũng phải vài ngàn người tham gia vào chương trình XKLĐ này. Để hoàn thành được chỉ tiêu đã định, Bộ LĐTB&XH cũng đã đề ra một số giải pháp, như: Hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn học nghề; thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2020; đổi mới căn bản công tác đào tạo, huấn luyện người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong XKLĐ

Lệ Thu
.
.
.